Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp điều khát vốn
21 | 04 | 2011
Giá thu mua điều hiện chỉ còn 26.000 đồng-27.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với đầu vụ. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp điều không có tiền để mua điều tạm trữ
Doanh nghiệp (DN) chế biến điều đang thiếu vốn để thu mua điều nguyên liệu tạm trữ, giá điều trong nước bị kéo xuống thấp trong khi giá thế giới tăng – đó là nội dung được thảo luận tại hội nghị thu mua điều niên vụ 2011 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ngày 20-4 tại TPHCM.
Do áp lực về nguồn vốn, các doanh nghiệp điều phải bán giá thấp, chịu lỗ, để được thanh toán tiền vay
 
Giá rẻ nhưng không có tiền mua
Theo báo cáo của Vinacas, các vùng trồng điều quy mô lớn ở Bình Phước, Đồng Nai đang rộ vụ nhưng giá thu mua điều chỉ còn 26.000 đồng-27.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với đầu vụ. Sản lượng điều năm nay khoảng 350.000 tấn, tương đương năm 2010 nhưng do ảnh hưởng bởi những cơn mưa trái mùa gần đây nên chất lượng điều không đồng đều, mất giá.
 
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá điều giảm là do nhiều DN chế biến điều đang lâm vào cảnh “đói” vốn, không có tiền để mua điều tạm trữ. Nhiều DN lớn vay vốn ngân hàng gặp khó do hạn mức tín dụng năm nay giảm, lãi suất ngân hàng cao, điều kiện thế chấp bị “siết” chặt hơn mọi năm. Những DN nhỏ thì khó chồng khó vì không có vốn, không vay được ngân hàng. Không ít đơn vị phải tạm ngưng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, đây là thời điểm ngành điều cần vốn nhất, Vinacas đã kiến nghị các bộ, ngành xem xét hỗ trợ DN được vay vốn nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Ông Học cho biết thêm tình hình này kéo dài sẽ gây tổn thất lớn cho ngành điều: DN trong nước không có vốn để trực tiếp thu mua nguyên liệu điều trong dân, khó tránh khỏi thương lái ép giá nông dân. Bên cạnh đó, các DN nước ngoài sẽ tăng mua với giá thấp, nguồn nguyên liệu điều trong nước sẽ rơi vào tay DN nước ngoài, nông dân phải chịu thiệt thòi về giá, trong khi giá điều trên thế giới đang tăng cao.

Bán lỗ để quay vòng vốn

Năm 2011, ngành điều cần khoảng 800.000 - 850.000 tấn điều nguyên liệu để cân đối sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN chỉ mới thu mua được khoảng 250.000 tấn, tức còn thiếu khoảng 600.000 tấn. Theo nhận định của các DN, sản lượng điều thế giới năm nay giảm khoảng 30% so với năm ngoái nên giá điều thế giới sẽ tăng chứ không giảm.
 
Một số nước như Brazil, Ấn Độ cũng đã đầu tư nhiều nhà máy chế biến điều, thu hút nguồn nguyên liệu lớn (riêng Brazil dự kiến sẽ cần thêm khoảng 200.000 tấn). Lượng nguyên liệu điều lớn từ các nước châu Phi sẽ thu hút về các nước này mà hạn chế xuất khẩu sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù giá điều thế giới liên tục tăng nhưng nhiều DN trong nước đang chào bán với giá rất thấp. Trong khi giá thu mua điều nguyên liệu vào kho của các DN hồi đầu vụ khá cao, lên đến 1.800 USD/tấn, nếu chế biến rồi bán ra dưới 4 USD/pound sẽ lỗ. Tuy nhiên, hiện nhiều DN chấp nhận chào bán với giá 3,7 USD/pound, tức mỗi container xuất khẩu lỗ từ 300 triệu - 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An, cho biết sở dĩ DN chấp nhận bán giá thấp là do áp lực về nguồn vốn, bán giá thấp để được thanh toán tiền ngay. DN mua nguyên liệu điều chế biến đến đâu bán đến đó, không có cơ hội trữ hàng để chờ giá tốt. Theo ông Nguyễn Thái Học, nếu DN tiếp tục “đói” vốn thì tình trạng bán tháo với giá rẻ sẽ còn tiếp diễn vì DN đang rất cần vốn để quay vòng.
 
Điều quan ngại lớn nhất là các DN chào bán giá thấp như hiện nay không chỉ gây lỗ lã cho đơn vị mình mà còn ảnh hưởng đến các DN khác, tạo cơ hội để khách hàng ép giá các DN xuất khẩu, kéo giá xuất khẩu xuống và ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu điều của Việt Nam.

Cũng theo Vinacas, trong tháng 4 và tháng 5, ngành điều cần vốn để nhập khẩu 300.000 tấn điều nguyên liệu. Nếu chậm trễ kéo dài sang tháng 7, tháng 8 sẽ mất cơ hội vì lúc đó, chất lượng điều giảm xuống thấp, giá bị đẩy lên cao.
 
Đề nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu điều

Vinacas đã có kiến nghị các bộ, ngành miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu điều để giúp các DN vượt qua khó khăn. Trung bình mỗi năm, các DN chế biến điều trong nước cần hơn 600.000 tấn - 700.000 tấn điều nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, trong đó có hơn 50% nguyên liệu phải nhập khẩu. Điều này có nghĩa là ngành điều trong nước thiếu nguyên liệu chế biến triền miên nhưng vẫn phải chịu mức thuế suất nhập khẩu 5%.


Theo nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường