Hiệp hội Càphê - cacao Việt Nam (Vicofa) vừa có văn bản gửi các sở, ngành các tỉnh trồng càphê kiến nghị xem xét xử lý việc các DN nước ngoài đang ráo riết tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp càphê trái với quy định của Việt Nam. Nếu không, DN kinh doanh xuất khẩu càphê “nội” sẽ lâm nguy, nhất là khi lãi suất và tỉ giá USD đang leo thang hiện nay...
G20 kêu cứu
G20 là câu lạc bộ DN xuất khẩu càphê hàng đầu Việt Nam (chiếm 80% số lượng và giá trị xuất khẩu càphê của cả nước). Mới đây, G20 đã có cuộc họp bức xúc về quyền hạn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào sản xuất chế biến, xuất khẩu và thu mua càphê để xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP giám định càphê và hàng hoá XK (Càphêcontrol), hiện có khoảng 10 DN nước ngoài đang lập các đại lý thu mua trực tiếp của nông dân ở các địa bàn càphê trọng điểm như Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai. Các DN này tổ chức thu mua tới khoảng 60% lượng càphê trong nước để dự trữ và tự chế biến, kiểm định và xuất khẩu.
Trước đây, các DN nước ngoài chủ yếu thu mua xuất khẩu thông qua các DN Việt Nam. Hình thức thu gom trực tiếp của các DN ngoại nêu trên mới xuất hiện trong năm nay.
Theo ông Đào Ngọc Lâm (Tổng GĐ Cty CP thương mại Hoa Đào - TPHCM, kinh doanh nông sản, càphê... có chi nhánh tại Đắc Lắc), DN nước ngoài có thực lực vốn, lại có ưu thế về đồng USD bởi tỉ giá của Việt Nam vừa nâng thêm mức 9,3% và đặc biệt được vay lãi suất chỉ 5% so với 18-20% vay nội tệ của các DN Việt Nam; nên DN ngoại chắc chắn sẽ thắng các DN càphê “nội” vốn đã vật vã vì thiếu nguồn vốn kinh doanh ổn định, lại thêm “toát mồ hôi” vì mức lãi suất lên mức “khủng” hiện nay.
Điều này đã hiển hiện ở vụ này khi giá càphê Việt Nam đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng bởi khó khăn vốn nên phần lớn các DN nội tại Đắc Lắc mới chỉ thu mua, xuất khẩu được khoảng 30 đến 35% kế hoạch niên vụ 2010-2011. Ngược lại, các DN ngoại đã thu mua được hàng trăm nghìn tấn càphê. Tại tỉnh này, ở các kho ngoại quan có khoảng 260.000 tấn càphê đều thuộc các Cty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các kho nội quan mà DN nước ngoài thuê cũng đang trữ khoảng 50.000 – 100.000 tấn.
Ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch G20) bức xúc cho rằng, việc các DN ngoại làm như trên không chỉ trái quy định, mà còn có thể dẫn tới “bức tử” các DN nội.
Trái quy định?
Trao đổi với PV, ông Lương Văn Tự (Chủ tịch Hiệp hội Càphê - cacao Việt Nam - Vicofa) cho biết, trước bức xúc của G20, Vicofa đã làm việc với bộ, ngành chức năng.
Bằng văn bản, Bộ Công Thương khẳng định, theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP và thông tư số 09/2007/TT-BTM - ngày 17.7.2007 và Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM - ngày 21.5.2007 về lộ trình thực thi cam kết WTO thì quyền xuất khẩu của các DN nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu. Tức là việc tổ chức mạng lưới thu gom càphê trực tiếp của các DN nước ngoài hiện nay, là trái quy định. Việt Nam chỉ khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư sâu vào việc chế biến, kỹ thuật phát triển càphê sạch theo quy định GAP, 4C, cân bằng càphê thân thiện với môi trường. Bởi hiện nay ngành càphê Việt Nam mới chỉ có 4 DN chế biến càphê hoà tan là Vinacàphê Biên Hoà, xí nghiệp càphê Trung Nguyên, Cty Nestlé và Cty Olam với công suất khoảng 35.000 - 40.000 tấn tương đương 100.000 tấn càphê nhân, chiếm khoảng 10% lượng càphê!
Từ cơ sở này, ông Lương Văn Tự cho hay, Vicofa vừa kiến nghị tới các sở ngành chức năng của các tỉnh có càphê đề nghị xem xét chấn chỉnh việc làm trái của các DN nước ngoài.
“Nếu không thì không chỉ các DN nội thê thảm, mà nông dân trồng càphê cũng khốn khổ. Bởi khi đã thao túng được thị trường càphê Việt Nam, DN nước ngoài có thể câu kết với các nhà đầu cơ ở 2 sàn giao dịch càphê lớn nhất thế giới chi phối lớn thị trường càphê Việt Nam cũng như nhiều nước là London và New York để hạ giá xuống. Lúc đó, rất nhiều hậu quả sẽ xảy ra!” - ông Đào Ngọc Lâm nhận định.