“Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cứ 10 hồ sơ đi vay, chỉ có khoảng 1 – 2 hồ sơ được giải quyết vay có hỗ trợ lãi suất từ gói kích cầu của Chính phủ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang khát vốn, nhưng phải chăng loại hình doanh nghiệp này đã bị bỏ quên?”, ông Nguyễn Thành Nhơn, phó chủ tịch hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) đã chất vấn thống đốc ngân hàng Nhà nước như vậy trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp của YBA tại TP.HCM hôm 22.3.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó vay
Ông Nhơn cho biết, mỗi lần doanh nghiệp tới ngân hàng vay, đều bị từ chối, với lý do doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. “Nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp, lấy đâu ra tài sản thế chấp. Nếu có, tài sản của doanh nghiệp cũng đã bị thế chấp vào năm ngoái, ở thời điểm lãi suất cao chót vót. Đến nay, ngân hàng cũng đã thu hồi vốn vay. Nhưng họ không cho vay, vì tài sản thế chấp không bảo đảm”, ông Nhơn nói. Thủ tướng đã quy định các quỹ hỗ trợ phát triển tại các địa phương phải đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vay vốn nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào được thụ hưởng quy định này. Cụ thể, hiện nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ phát triển TP.HCM có mức vốn 50 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được để bảo lãnh vốn vay.
Tuần qua, tổ chức diễn đàn phát triển Việt Nam phối hợp với đại học Kinh tế quốc dân công bố một số liệu đáng chú ý, hiện vẫn còn 20,8% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ vẫn gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng. Và 42,9% doanh nghiệp vẫn âu lo trong việc tiếp cận vốn vay. Kết quả này được khảo sát trên 200 doanh nghiệp của cả nước và 20 ngân hàng thương mại, tiến hành từ tháng 12.2008 đến 2.2009.
Do phát triển quá nhanh?
Trả lời vấn đề này, tại buổi gặp gỡ ông Nguyễn Văn Giàu, thống đốc ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Các cơ quan thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất đều biết vấn đề này”.
Việc này Thủ tướng đã có chủ trương giải quyết, thông qua quyết định số 14, giao ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh. VDB bảo lãnh cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả các hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỉ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động.
“Giải pháp để tháo gỡ có rồi, vấn đề chỉ còn là cách giải quyết giữa VDB các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước nói với doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ. Tuy nhiên, theo thống đốc Giàu, DNVVN mới lập nghiệp đang trong quá trình tích tụ vốn. Do một số doanh nghiệp phát triển quá nhanh, nên thiếu điều kiện phát triển và hạn chế về vốn. Vì vậy, tuỳ vào năng lực của mỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp nên lựa chọn quy mô phát triển để phù hợp với năng lực của mình. “Đây là điều trở ngại chính mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc vay vốn, họ không đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất”, ông Giàu nói.
Theo ông Bảo, quyết định 14 của Thủ tướng đã “mở đường” cho việc vay tín chấp. Tuy nhiên, loại hình vay này phụ thuộc vào uy tín của doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng của DNVVN tăng lên quá nhanh trong thời gian qua, các ngân hàng không thể kiểm soát được mức độ an toàn khi giải ngân vốn cho loại hình doanh nghiệp này.
Ngoài sự bảo lãnh của VDB, hiệp hội của doanh nghiệp nên cùng ngồi với các ngân hàng để minh bạch về tài sản, cùng trình bày một dự án kinh doanh khả thi của doanh nghiệp thành viên và đứng ra bảo lãnh thêm cho doanh nghiệp hội viên. “Làm được điều này, việc giải ngân vốn cho các DNVVN sẽ dễ dàng hơn”, ông Bảo nói.