Theo GS Vũ Long, chuyên gia về công nghiệp chế biến gỗ của Hiệp hội Khoa học lâm nghiệp Việt Nam thì trong vòng 3 năm qua, hệ thống doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam tăng lên rất nhanh, với tốc độ tăng bình quân 40%/năm. Hiện cả nước đã có hơn 2.520 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, từ cuối năm 2008 đến nay, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ giảm sút.
Khó khăn quan trọng vẫn là đầu ra, nhu cầu đồ gỗ của các nước giảm rõ rệt. “Hiện các doanh nghiệp mới chỉ có thể đảm bảo sản xuất theo các hợp đồng đến tháng 4-2009”- ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam còn đang gặp khó khăn lớn khác là thiếu nguyên liệu, phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài vào với giá đắt hơn 30% so với nguyên liệu sẵn có trong nước vì nguồn gỗ trong nước mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.
Ngược lại, hoạt động xuất khẩu gỗ lại đang gặp những khó khăn từ bên ngoài như xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và EU (đòi hỏi phải có chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của gỗ). Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đưa ra đề nghị Chính phủ không thu thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm gỗ, giảm và cho chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nợ đối với các khoản vay đã đến hạn nhưng hàng của doanh nghiệp vẫn chưa bán được.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, các doanh nghiệp cũng phải năng động săn tìm những thị trường mới ở Nga, Đông Âu, châu Phi... Tuy nhiên, để làm được những điều đó thì đòi hỏi phải có vốn. Mặc dù hiện nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai chính sách cho các doanh nghiệp chế biến gỗ vay với lãi suất hỗ trợ 4% theo gói kích cầu của Chính phủ, song hầu như chưa có doanh nghiệp nào vay được tiền do những đòi hỏi từ ngân hàng như phải thế chấp, thanh toán xong nợ cũ…