Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ: khó khăn chồng chất!
23 | 03 | 2009
2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu gỗ chủ yếu do sự tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, các thị trường nhập khẩu chủ lực đồ gỗ của Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU đều bị thu hẹp. Tuy nhiên, ngoài tác động của khủng hoảng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu đồ gồ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành xuất khẩu gỗ, năm 2009 sẽ là năm ngành này phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính do phụ thuộc nhiều vào sức mua, hoạt động mua bán bất động sản. Trong khi đó, dự báo thời gian tới hoạt động mua bán nhà đất cũng sẽ không sôi động, kéo theo nhu cầu đồ gỗ, đồ gỗ gia dụng giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chưa kể đến những chi phí đội lên cho ngành gỗ như tình trạng tắc đường, tắc cảng… trong thời gian vừa qua chi phí vốn quá cao khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không dám nhập nguyên liệu. Dự báo có khoảng 20% doanh nghiệp gỗ có khả năng phá sản, 50% doanh nghiệp trong ngành có khả năng trụ được và 30% gặp khó khăn.

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu đồ gỗ hiện nay là thiếu vốn. Hiện các doanh nghiệp gỗ trong nước đã được tiếp cận trên 3.000 tỉ đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất 4% theo chương trình kích cầu của Chính phủ, tuy nhiên, đây là một con số quá nhỏ so với nhu cầu của hơn 2.000 doanh nghiệp gỗ.

Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp đều phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao trong năm ngoái để nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến, nay giải quyết nợ nần chưa xong nên vay vốn mới gặp khó khăn. Ông Võ Trường Thành, chủ tịch HĐQT tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn mới được hỗ trợ lãi suất do chưa tới thời hạn đáo nợ, hoặc đang mắc nợ xấu, và nhu cầu được vay hỗ trợ lãi suất để đảo nợ đang là một nhu cầu thiết thân của nhiều doanh nghiệp.

Đề cập đến vấn đề này ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất 4% không phải là giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và trên thực tế chỉ có một phần doanh nghiệp xuất khẩu thụ hưởng được nguồn vốn hỗ trợ do đối tượng cho vay của chương trình này còn rất hạn chế.

Một trong những điều kiện để được vay vốn là các doanh nghiệp đang hoạt động và kinh doanh có lãi trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. Chưa kể đến nhiều doanh nghiệp còn nợ xấu, doanh nghiệp đã khó khăn nếu không được vay để giải quyết phần nợ. Tình trạng giải ngân vốn chậm cũng gây khó khăn không ít cho các các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn.

Theo ông Mạnh để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, chương trình hỗ trợ lãi suất cần phải mở rộng đối tượng cho vay, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cũng đang đứng trước cơ hội được mua nguyên liệu với giá rẻ. Do vậy, nên có chương trình hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp nhập nguyên liệu dự trữ cho sản xuất hàng xuất khẩu.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cũng cho rằng, họ đang còn bị vướng bởi nhiều quy định như thủ tục xác minh hoàn thuế chậm, thời gian ân hạn thuế ngắn trong khi thủ tục xét duyệt mất rất nhiều thời gian, Bộ Tài chính tăng thuế 10% một số mặt hàng trên doanh thu trong khi hiện nay các công ty chỉ lời từ 1-3%...

Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam: từ cuối năm 2008 đến nay thị trường tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ trên thế giới đã giảm sút mạnh. Chỉ tính riêng hai thị trường Mỹ và EU tốc độ tiêu thụ đã giảm 30% kéo theo sự giảm sút về sản xuất và kinh doanh gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, không những thế sức cạnh tranh mua nguyên liệu của Việt Nam cũng yếu hơn nhiều nước trong khu vực.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công thương, đây là mặt hàng có thị trường lớn, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nếu khắc phục được những hạn chế cơ bản là nguồn nguyên liệu nhập khẩu, khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn thì mặt hàng gỗ sẽ còn gia tăng quy mô xuất khẩu trong thời gian tới. Theo dự kiến của Bộ Công thương, năm 2009 xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước dự kiến có thể đạt 3,2 tỷ USD.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường