Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp XK gỗ ngại khó với Đạo luật FLEGT ở EU
09 | 08 | 2011
Như vậy, sau Đạo luật Lacey của Mỹ có hiệu lực vào tháng 4/2010, xuất khẩu gỗ Việt Nam lại phải đương đầu với sự thay đổi của thị trường EU.

Đạo luật FLEGT (Tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản) của Liên minh châu Âu (EU) là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ vào thị trường này.
 

Từ tháng 3/2013, xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường EU sẽ phải có chứng chỉ FLEGT. Đây là nội dung Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) mà Việt Nam và EU vừa khởi động đàm phán vào 2 ngày 3 - 4/8 tại Hà Nội. Hiệp định này nằm trong Kế hoạch hành động của FLEGT nhằm chống lại việc khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp.

Như vậy, sau Đạo luật Lacey của Mỹ có hiệu lực vào tháng 4/2010, xuất khẩu gỗ Việt Nam lại phải đương đầu với sự thay đổi của thị trường EU. Đây là hai thị trường lớn nhất của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam, trong đó, thị trường Mỹ chiếm 45% tổng kim ngạch và thị trường EU chiếm 30%.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lo ngại rằng, Đạo luật FLEGT sẽ gây khó cho hoạt động xuất khẩu gỗ vào EU, bởi gỗ xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ FLEGT.

Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ nội thất Pisico (Quy Nhơn) – doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường EU, Mỹ băn khoăn: “Sản phẩm gỗ của chúng tôi xuất khẩu sang EU, Bắc Mỹ đều đã có chứng chỉ FSC (chứng chỉ về quản lý rừng). Nay nếu bắt buộc phải có thêm chứng chỉ FLEGT nữa thì liệu có chồng chéo, tăng chi phí? Hiện nay, chi phí ban đầu để được cấp chứng chỉ FSC theo Đạo luật Lacey của Mỹ là 8.000 USD, chi phí duy trì 3.000 - 3.500 USD/năm”.

Tuy nhiên, những nỗi lo này, theo ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, là không có cơ sở. Các chứng chỉ rừng khác như FSC, COC (chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm) sở dĩ có chi phí cao là doanh nghiệp phải mời các tổ chức quốc tế đến khảo sát và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, với chứng chỉ FLEGT, doanh nghiệp sẽ không phải mất tiền.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, FLEGT thực chất rất có lợi cho Việt Nam, bởi việc đàm phán VPA giữa Việt Nam và EU được thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp luật của Việt Nam. Một khi VPA được ký kết, doanh nghiệp được cấp chứng chỉ FLEGT, thì xuất khẩu gỗ sang EU được hưởng những ưu đãi đặc biệt, thuận lợi hơn trước nhiều. Ngược lại, doanh nghiệp không có chứng chỉ FLEGT sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình nặng nề với nước nhập khẩu, chịu nhiều rủi ro do bị kiểm tra khắt khe.

Bà Jiuliana Torta, đại diện Tổng cục Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu tại Bỉ cũng khẳng định, tham gia FLEGT, doanh nghiệp Việt Nam được tiếp tục xuất khẩu vào EU, sản phẩm có giá cao hơn, có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường ngách, được xuất khẩu vào tất cả các nước thành viên của EU mà không bị bắt buộc đáp ứng thêm bất cứ yêu cầu nào khác về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.

Trong khi đó, ông Hà Công Tuấn tin tưởng: “Chúng ta đã thực thi, thích ứng với Đạo luật Lacey của Mỹ và xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh, không có doanh nghiệp nào bị phía bạn phát hiện vi phạm. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp nước ta thông minh, thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường. Hiện tại, về cơ bản, nguồn gốc gỗ nguyên liệu của nước ta đều đảm bảo tính hợp pháp”.

Liên quan đến những thông tin cho rằng, gỗ lậu ở một số nước trong khu vực đang tìm cách tuồn vào Việt Nam để hợp thức hóa nguồn gốc, ông Tuấn khẳng định, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam hoàn toàn hợp pháp, có giấy phép của các quốc gia đối tác và được hải quan các nước đối tác làm thủ tục thông quan.

Là người đã dành 3 năm nghiên cứu về FLEGT, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang phải đáp ứng nhiều quy định về chứng chỉ khác nhau của các nước khác nhau. Tuy nhiên, thực hiện FLEGT chủ yếu mang lại cơ hội và sự thuận lợi, các doanh nghiệp không nên quá lo lắng.

Hiện tại, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ quan tâm nhất là VPA sẽ định nghĩa như thế nào về gỗ hợp pháp. Thực chất, định nghĩa này là một hệ thống pháp luật mà doanh nghiệp phải áp dụng trong từng giai đoạn để đạt được chứng chỉ FLEGT. Quá trình đàm phán về định nghĩa sẽ kéo dài từ nay đến cuối năm 2012. Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong Việt Nam sẽ đạt được những thỏa thuận hợp lý, không gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Hà Công Tuấn khẳng định, hiện nay, đa phần doanh nghiệp lớn đang xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật, Australia… đủ điều kiện được cấp chứng chỉ FLEGT.

Được biết, đến nay, EU đã ký thỏa thuận VPA với 3 nước châu Phi và đang đàm phán với một số nước khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Thùy Liên
Báo Đầu tư


Báo cáo phân tích thị trường