Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện FLEGT
10 | 08 | 2011
Từ tháng 3/2013, Quy chế mới của Liên minh châu Âu (EU) về tính hợp pháp của gỗ (hay còn gọi là quy định trách nhiệm giải trình) - FLEGT sẽ có hiệu lực. FLEGT có gây khó khăn với ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam? Xung quanh vấn đề này, ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay:
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt khoảng 3,44 tỷ USD và có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó EU chiếm tới 30%. Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ của nước ta đang áp dụng nhiều chính sách thương mại mới nhằm hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. FLEGT do EU đưa ra cũng nhằm mục đích này, với những quy định khá nghiêm ngặt.
Thưa ông, việc EU áp dụng FLEGT có ảnh hưởng tới việc xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp nước ta?
Năm 2003, EU đã phê chuẩn kế hoạch hành động FLEGT. Việt Nam là quốc gia cung cấp đồ gỗ chính trên toàn cầu và EU là thị trường lớn thứ hai của các nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam. Việc loại trừ nhập khẩu gỗ khai thác bất hợp pháp vào EU đặt ra không ít thách thức cho ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ. Chúng ta vừa phải lo đối phó với các vấn đề về hiệu quả, năng suất thấp, môi trường tài chính bất lợi, vừa phải đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ.
Từ tháng 7/2010, chúng ta đã cùng với EU thực hiện đàm phán đối tác tự nguyện. Theo lộ trình, kết thúc đàm phán sẽ bắt tay ký kết vào cuối năm 2012, tức là còn hơn 1 năm nữa FLEGT mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận thấy sự biến đổi của thị trường mà từ tháng 4/2010, chúng ta đã phải thích ứng với đạo luật Lacey của Hoa Kỳ (quy định doanh nghiệp khi xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản sang nước này phải khai báo các điều kiện về nguồn gốc, xuất xứ).
Khi đó, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo với doanh nghiệp để có những hành động thích ứng. Đến thời điểm này, hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và EU vẫn tăng và không có doanh nghiệp nào bị phía bạn phát hiện vi phạm đạo luật Lacey. Do đó với FLEGT, tôi tin rằng các doanh nghiệp cũng sẽ đảm bảo được.
Xin ông cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT có biện pháp gì để thực thi việc này?
Vấn đề đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp để họ thích ứng với yêu cầu của đối tác. Sau đó sẽ hình thành một số tổ chức giám sát độc lập trên cơ sở được quốc tế thừa nhận. Ngoài ra, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực thi pháp luật; thúc đẩy quá trình cấp chứng chỉ rừng, chứng chỉ chuỗi hành trình (CoC); xây dựng quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (FLEGT/VPA) với EU...
Chi phí để các doanh nghiệp đạt được FLEGT có cao hơn so với các loại chứng chỉ khác?
Bây giờ tôi chưa thể nói được vấn đề này do chúng ta đang trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng không để các doanh nghiệp phải mất tiền khi lấy chứng chỉ bởi đây là cơ sở để chứng minh cho lô hàng xuất khẩu đó mà thôi và cơ quan cấp là phía Việt Nam. Điều này khác với việc cấp chứng chỉ một số sản phẩm khác của các tổ chức phi chính phủ.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là, ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của ta đang phải nhập phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Điều này có ảnh hưởng gì khi EU yêu cầu phải có FLEGT, thưa ông?
Mỗi năm, nước ta có khoảng 4 triệu mét khối gỗ từ rừng trồng, tuy nhiên, gỗ này chủ yếu được dùng trong ngành công nghiệp giấy. Còn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu thì lại nhập khẩu nhiều. Chúng ta đã có chiến lược đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu phải đảm bảo quản lý nguồn gỗ hợp pháp vào nước ta và ngay cả đối với các nước trong khu vực, chúng ta cũng tăng cường thực thi việc này.
Tất nhiên, những quy định của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và phải tuân theo quy định của các quốc gia đó.
Để đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp, ông có thể cho biết chúng ta cần có những biện pháp gì?
Chúng ta có nhiều biện pháp để quản lý rừng bền vững, trước hết là đấu tranh với các hành vi buôn bán lâm sản bất hợp pháp. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu. Khó khăn hiện nay là dù tăng cường kiểm soát nhưng việc quản lý vẫn còn hạn chế. Hệ thống pháp luật của ta đã cơ bản hoàn thiện và được quốc tế đánh giá cao, đây là thời cơ để thực thi nghiêm pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tập đoàn gỗ Trường Thành cho rằng, việc kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu gỗ (theo quy định của đạo luật Lacey hay FLEGT) trước mắt không ảnh hưởng gì nhiều đến các doanh nghiệp, về lâu dài là cần thiết, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam phát triển.
Theo ông Thành, việc áp dụng những quy định này nhằm hạn chế tình trạng phá rừng tràn lan trên toàn thế giới, doanh nghiệp có ý thức hơn với môi trường, quan tâm hơn đến việc phải nâng cao công nghệ để giảm khai thác rừng tự nhiên, giảm chế biến bằng gỗ quý, chú trọng hơn đến việc trồng rừng để ổn định nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Hiện đang có khá nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ sản xuất để bán cho doanh nghiệp khác mà không quan tâm nhiều đến thương hiệu, đến các quy trình công nghệ hay các quy định về tiêu chuẩn... Khi các nước nhập khẩu gia tăng sức ép, buộc sản phẩm phải có hồ sơ nguồn gốc, phải tuân thủ các quy định... thì nhà phân phối sẽ phải yêu cầu nhà sản xuất tuân thủ những vấn đề tương ứng.

Theo KTNT



Báo cáo phân tích thị trường