Nông dân miền Trung thu hoạch gần xong vụ xuân 2011. Một số tỉnh phía Bắc miền Trung có năng suất khá với 58 tạ/ha, trong lúc ở Quảng Nam có nơi mất trắng do lúa lép và sâu bệnh. Lúa xuân thu hoạch muộn đẩy lùi thời vụ hè-thu từ 25-35 ngày. Lúa hè-thu xuống giống muộn rơi đúng cao điểm sông ngòi đang bị xâm nhập mặn và hạn hán.
Đông-xuân thất bát
Tại Quảng Nam, do thời tiết bất thường, vụ lúa đông-xuân bị thiệt hại nặng nề. Các huyện có diện tích nông nghiệp lớn như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… năng suất rất thấp. Anh Nguyễn Quốc Vũ (thôn 6, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) cho biết, năm nay diện tích lúa vụ đông-xuân gần như mất trắng. Mỗi sào chỉ thu hoạch được 2 bao lúa (gần 100kg - PV), bằng 1/3 so với mấy vụ trước. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết: Trên toàn huyện, vụ lúa đông-xuân có 4.338ha, trong đó có 1.251ha giảm năng suất 50% - 70%. Nguyên nhân do lúa trong thời điểm trổ bông lại gặp rét và mưa.
Cùng cảnh ngộ với nông dân huyện Đại Lộc, nông dân các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên… cũng đứng trước khó khăn do mất mùa. Mưa, rét lạnh kéo dài nên năng suất cây trồng như lúa, đậu phộng, dưa hấu... giảm so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi cũng bị thiệt hại nặng do dịch bệnh và rét lạnh kéo dài.
Thiếu giống ngắn ngày
Với 50.000 ha lúa xuân đang thu hoạch và kết thúc khoảng ngày 10-6 tới, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế dự kiến đạt năng suất tương đương 58 tạ/ha. Thế nhưng, nông dân đang lo cho vụ hè-thu trước mùa bão lũ. Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, lo lắng, chưa bao giờ ngành nông nghiệp địa phương khó khăn như vụ lúa hè-thu 2011. Bỏ hoang ruộng đồng thì nông dân đói, ngược lại, xuống giống lúa trễ so lịch thời vụ hơn một tháng coi như đánh bạc với trời. Nhu cầu giống lúa lai ngắn ngày cho vụ hè-thu 2011 trên địa bàn Quảng Trị cần khoảng 1.000 tấn.
Nhưng lúa cực ngắn ngày chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, không dự trữ nhiều nên khả năng phải sử dụng thóc tươi mới thu hoạch từ vụ xuân làm giống. Ông Hoàng Hữu Hè, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: Giải pháp thích nghi trong điều kiện trễ vụ lúa hè-thu là chuyển đổi từ cơ cấu các loại giống trung và dài ngày sang gieo cấy giống ngắn ngày và cực ngắn ngày như Khang Dân, HT1, TH5, Iri352, ĐV108… Lãnh đạo sở đã có văn bản chỉ đạo Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh tổ chức lọc tuyển trên 2.000 tấn các loại lúa giống ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ hè-thu. Những loại giống trên có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống thông thường khoảng 5-10 ngày nên hạn chế nguy cơ thiệt hại do mưa lũ. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân 300 tấn lúa ngắn ngày.
Ngành nông nghiệp các tỉnh miền Trung đang vận động nông dân thực hiện phương châm thu hoạch lúa xuân đến đâu, phải làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó để hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại lây lan sang vụ sau. Tiếp đó, bón phân hợp lý theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”. Bón lót phân đạm khoảng 3-4kg/sào để tránh vi sinh vật cạnh tranh với cây lúa trong giai đoạn đầu. Đồng thời, tăng cường các biện pháp thâm canh nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa để thu hoạch sớm, tránh bị ngập lụt cuối vụ. Trước mắt, chính quyền địa phương, các HTX cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kịp thời sản xuất vụ hè-thu 2011 như bán nợ phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp, tổ chức dịch vụ làm đất cho dân...
Đánh bạc với trời!
Ông Vũ Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, cho biết: Diện tích khô hạn trên địa bàn huyện năm nay diễn ra rộng hơn so với các năm trước. Vụ hè-thu năm nay, huyện Mộ Đức chuyển gần 200ha diện tích đất lúa sang trồng cây hoa màu để… chạy hạn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện tại, theo khảo sát tại 625 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh, nguy cơ thiếu nước cho vụ hè-thu khá cao. Các trạm bơm lấy nước qua cống Nam Đàn, Khe Khuôn (huyện Đô Lương) khó hoạt động vì mực nước thấp. Hệ thống kênh tưới cuối nguồn thuộc 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu nguồn nước cũng hạn chế.
Theo
SGGP