Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cá da trơn Hà Lan
01 | 08 | 2011
Hà Lan chủ yếu nhập khẩu cá da trơn dạng phile đông lạnh từ các nước đang phát triển. Cá da trơn đã nhanh chóng thâm nhập thị trường Hà Lan trong vài năm gần đây nhờ giá rẻ. Do Hà Lan không có nguồn cung nội địa nên nguồn cung cá da trơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu,chủ yếu từ Việt Nam.

Quy mô thị trường

Hà Lan không phải là một thị trường thuỷ sản lớn. Mức tiêu dùng tiêu dùng ở hộ gia đình của Hà Lan là một trong những mức thấp nhất tại EU, chỉ khoảng 3,4 kg/hộ/năm. Tuy nhiên, giai đoạn 2003 – 2008, lượng tiêu dùng đã tăng 18%.

Hà Lan là thị trường tiêu thụ lớn thứ 5 tại EU và là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 mặt hàng cá da trơn tại EU. Phân khúc sản phẩm này được ưa chuộng tại Hà Lan nhờ giá rẻ và mùi vị trung tính, hai đặc tính quan trọng nhất trong tiêu chí tiêu dùng thuỷ sản của người dân nước này. Kim ngạch nhập khẩu cá da trơn của Hà Lan chiếm 12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU. Việt Nam chiếm trên 90% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng cá da trơn của nước này.

Hà Lan chỉ nhập khẩu cá phile đông lạnh do người tiêu dùng Hà Lan đã quen với sử dụng các sản phẩm thuỷ sản đông lạnh, trái với thói quen tiêu dùng sản phẩm tươi sống tại các nước Đông Nam châu Âu. Hà Lan là nước nhập khẩu lớn và tái xuất các mặt hàng cá da trơn. Tăng trưởng nhập khẩu cá da trơn mạnh trong những năm gần đây nhờ các yếu tố: giá rẻ, mùi vị trung tính và nhu cầu lớn của các nhà bán lẻ để đảm bảo nguồn cung. Giá thấp cũng giúp phân khúc sản phẩm này tăng thị phần trong thời kỳ khủng hoảng.

Tuy vậy, tăng trưởng nhập khẩu cá da trơn gần đây đang chậm lại do những bất ổn nguồn cung và lo ngại về vấn đề xã hội, môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, khi khủng hoảng kinh tế kết thúc và sự phục hồi sản xuất của các loại cá khác (như cá hồi, cá tuyết) thì người tiêu dùng có thể chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm cá khác. Tuy nhiên, mặt hàng cá da trơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt, vượt qua các phân khúc sản phẩm thuỷ sản khác trên thị trường trong vài năm tới.

Khuynh hướng thị trường

Tiêu dùng thuỷ sản Hà Lan đặc trưng bởi những loại thuỷ sản truyền thống và những loại thuỷ sản này sẽ tiếp tục duy trì vị thế của mình trên thị trường. Bốn loại thuỷ sản được tiêu dùng phổ biến nhất tại Hà Lan là cá trích, cá hồi, cá tuyết và cá Pollack. Tuy nhiên, những người tiêu dùng trẻ tuổi tưa thích các loại cá thịt trắng có hương vị trung tính.

Việc thành công trong việc đưa sản phẩm cá da trơn vào thị trường Hà Lan cho thấy thị trường này khá mở trong việc tiếp nhận sản phẩm mới. Những vấn đề nguồn cung cá da trơn trong những năm gần đây có thể dẫn đến việc người tiêu dùng Hà Lan chuyển sang các loại cá khác có hương vị tương tự, như cá rô phi. Cá da trơn tại thị trường Hà Lan chủ yếu được tiêu thụ ở các kích cỡ 120/170g, 170/220g, 220g.

Để bán sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn, nhiều nhà sản xuất đã tăng tỷ lệ nước đá trong sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ Việt Nam. Hiện chính phủ Việt Nam đã đưa ra quy định về hàm lượng nước trong sản phẩm xuất khẩu không được quá 83%. Việc nuôi cá da trơn kéo theo những vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường. Những lo ngại này đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, những nhà chính trị, NGOs và các hiệp hội thương mại Hà Lan, có thể dẫn tới những quy định tăng cường về sản xuất bền vững và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu. Tổ chức WWF đang hợp tác với ASC để cấp chứng nhận cho sản xuất cá da trơn bền vững.

Sáng kiến thương mại bền vững của Hà Lan cũng liên quan đến tính bền vững của sản phẩm cá da trơn được nuôi. Mục tiêu của sáng kiến này là cho tới năm 2015, 15% kim ngạch nhập khẩu cá da trơn của Hà Lan sẽ bắt nguồn từ những nguồn nuôi bền vững và đến năm 2020, tỷ trọng này sẽ tăng lên mức 30%. Hà Lan cũng thực hiện các hỗ trợ cho những người sản xuất nhỏ tại châu Á để nhận được chứng nhận ASC.

Những người tiêu dùng Hà Lan và ngành cá da trơn nước này đang phàn nàn về tình trạng làm tươi lại các sản phẩm cá da trơn phile đông lạnh nhập khẩu và được bán với tên thương mại là cá tươi. Quy định mới của EU sẽ đặt ra những yêu cầu cho những nhà cung cấp, phải làm rõ cho khách hàng phân biệt sản phẩm tươi và sản phẩm đông lạnh. Quy định này dự đoán sẽ có hiệu lực vào năm 2011. Mặc dù vậy, những ảnh hưởng của quyết định này lên cầu của thị trường vẫn chưa xác định. Những ảnh hưởng chắc chắn có là việc thay đổi quy định về dán nhãn và cung cấp thông tin của các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Trong những năm gần đây, cá da trơn đã thay thế một số loại thuỷ sản nuôi trồng nội địa quan trọng trước đây. Các sản phẩm nuôi trồng Hà Lan được cho là có chất lượng cao và mang tính bền vững cao hơn. Do đó, những công ty Hà Lan sẽ tập trung vào những đặc tính ưu việt này để giành lại thị trường đã mất.

Do những áp lực về giá, những nhà bán lẻ Hà Lan ngày càng quan tâm đến vấn đề giá trị gia tăng. Các nhà chế biến cũng đang có những động thái trước nhu cầu ngày càng tăng với cá da trơn tại thị trường này. Ví dụ, Kraan, một nhà sản xuất lươn hun khói Hà Lan, đã quyết định thêm cá da trơn vào danh mục sản phẩm của mình. Giá các loại cá da trơn hun khói thấp hơn lươn hun khói khoảng 30%.

Việc các nhà chế biến – bán lẻ Hà Lan tập trung hơn vào các sản phẩm giá trị gia tăng có thể dẫn đến việc các nhà chế biến Việt Nam chuyển dần từ chế biến sơ cấp sang chế biến thứ cấp. Công ty Vĩnh Hoàn, nhà sản xuất cá da trơn lớn nhất Việt Nam, đã sẵn sàng tung ra thị trường các sản phẩm cá da trơn được chế biến ăn liền. Phân khúc thị trường sản phẩm giá trị gia tăng cao được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Diễn biến giá

Sự áp đảo của Việt Nam trên thị trường cá da trơn được giải thích là nhờ giá cá nguyên liệp thấp, Đồng thời, nguồn cung cá da trơn trên thị trường hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn cá đánh bắt nên có thể được cung cáp quanh năm nhờ nguồn nuôi trồng, do đó rất hấp dẫn các nhà sản xuất châu Á. Gần đây, giá cá da trơn tăng nhẹ do các vấn đề về nguồn cung.

Theo FAO, những vấn đề liên quan đến nguồn cung có thể dẫn đến việc những nhà sản xuất nhỏ phải từ bỏ thị trường và hoạt động hợp nhất tăng lên để giảm chi phí và tăng hiệu quả; đồng thời đáp ứng các yêu cầu về sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm.

Những diễn biến toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến giá cá da trơn:

(1)   Tình hình thời tiết bất lợi trong vài năm gần đây có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam. Do hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu tập trung tại một số nước châu Á có khí hậu thuận lợi nên biến đổi khí hậu tại khu vực này có ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cá da trơn toàn cầu; do đó, gián tiếp ảnh hưởng đến giá cá da trơn;

(2)   Thuế nhập khẩu cao mà Mỹ áp cho mặt hàng cá da trơn dẫn đến việc các nhà cung cấp chuyển hướng sang thị trường EU và tăng nguồn cung cá da trơn phile nhập khẩu trên thị trường này. Luật Farm Bill mới của Mỹ cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu cá da trơn tại nước này và nhiều khả năng cá da trơn từ châu Á sẽ chịu chi phối của hàng loạt các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm ngặt nghèo hơn của USDA. Yếu tố này càng làm tăng nguồn cung cá da trơn cho thị trường EU.

(3)   Sự canh tranh ngày càng mạnh từ các nhà cung cấp Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực lên giá cá da trơn từ châu Á.

(4)   Giá cá tuyết trở lại mức bình thường sẽ làm tăng tính cạnh tranh với cá da trơn do hai loại cá này cùng phân khúc thị trường.

Do tính cạnh tranh về giá ngày càng mạnh, có thể nhiều nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải rút khỏi thị trường. Do đó, gần đây VASEP đã thiết lập giá sàn xuất khẩu và các biện pháp kiểm soát giá nhằm đưa giá cá về giá trị thực và đảm bảo lợi nhuận cho cả người nuôi và nhà chế biến.

Tại Hà Lan, mức lợ nhuận biên của các nhà nhập khẩu thường ở mức 5 – 10%. Mức lợi nhuận biên cao hơn có thể áp dụng cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hiện mức thuế nhập khẩu của cá da trơn phile đông lạnh ở mức 9% và 5,5% với các nước được hưởng GSP.

Các kênh thương mại

Kênh thương mại quan trọng nhất đối với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển là các nhà nhâp khẩu. Các nhà nhập khẩu thuỷ sản tại Hà Lan cung cấp hàng cho các nhà bán buôn, khu vực dịch vụ ăn uống và nhà bán lẻ nội địa, cũng như những khách hàng nước ngoài. Đồng thời, họ cũng có thể tham gia hoạt động chế biến gia tăng. Một số nhà nhập khẩu tại Hà Lan chỉ chuyên biệt nhập khẩu một vài dòng sản phẩm nhất định nhưng hầu hết đều nhập khẩu một lượng lớn các loại sản phẩm thuỷ sản khác nhau. Những nhà nhập khẩu Hà Lan hướng đến cung cấp nhiều chủng loại sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Một số nhà nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất Hà Lan như Anova B.V, Scanimex B.V, Froconsur B.V, DaySeaDay B.V.

Thương mại bán lẻ tại Hà Lan có tính tập trung cao. Năm nhà bán lẻ lớn nhất Hà Lan chiếm thị phần khoảng hơn 2/3 thị trường bán lẻ thực phẩm. Các chuỗi bán lẻ Hà Lan thường không nhập khẩu trực tiếp thực phẩm từ các nước ngoài EU mà thu mua từ các nhà cung cấp hoặc bán lẻ đã được chọ lựa. Những nhà bán lẻ lớn quan trọng nhất tại Hà Lan là: Ahold, Aldi, Sperwer Holding và Jumbo.

Kim Dung AGROINFO

Theo CBI

Bài trước: Thị trường cá da trơn Đức

 Bài sau: Thị trường cá da trơn Ba Lan



Báo cáo phân tích thị trường