Người nuôi nản
Thực tế từ đầu năm đến nay, giá các loại TĂCN đã tăng từ 30-50% so với thời điểm cuối năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ trại nuôi lợn quy mô 1.000 con tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) cho biết: "Tôi thường dùng loại cám 52S của Công ty Thức ăn chăn nuôi CP. Tính từ đầu năm tới giờ, giá đã tăng tới 50%. Nếu như năm ngoái, một bao 52S loại 25kg có giá 220.000 đồng thì nay tăng lên 310.000 đồng. Ở thời điểm hiện tại, giá TĂCN tăng chưa ảnh hưởng nhiều tới các trang trại vì giá thịt lợn trên thị trường cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, mức giá này có duy trì được lâu dài hay không và thức ăn chăn nuôi có tăng giá nữa không... vẫn là một ẩn số".
Có một nghịch lý là, khi giá TĂCN tăng cao, đáng lý ra người bán hàng phải mừng thì ngược lại, đa số các chủ cửa hàng đều khẳng định, giá tăng gây nhiều áp lực cho họ. Bà Nguyễn Thị Sông, chủ cửa hàng kinh doanh TĂCN ở xã Dục Tú (Đông Anh - Hà Nội) tâm sự: "Mỗi lần lấy hàng là một giá khác nhau, tôi lại vất vả giải thích cho người mua, nhiều người thấy giá tăng lại nghi ngờ tôi tự đẩy giá lên kiếm lời".
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam phân tích, chúng ta đang thiếu nguyên liệu TĂCN trầm trọng. Từ năm 2006 đến năm 2010, năm nào nước ta cũng nhập khẩu nguyên liệu TĂCN. Riêng năm 2010, cả nước sản xuất được 12,9 triệu tấn TĂCN, trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu lên tới 7,7 triệu tấn.
Cũng theo tính toán của ông Lịch, chi phí để mua nguyên liệu TĂCN hàng năm trong giai đoạn 2008-2010 là 2-2,7 tỷ USD, trong đó, 65-68% chi phí dành cho nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Thực tế đó cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một chiến lược nào cho ngành TĂCN.
Cần sớm có giải pháp bình ổn giá TĂCN
Ông Lịch cảnh báo, nếu không có chỉ đạo cụ thể thì kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN không dừng lại ở mức này. Chúng ta phải có chính sách thúc đẩy sản xuất để làm sao chủ động được 36-37% nguyên liệu.
Hiện, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất TĂCN như thuế nhập khẩu khô đậu tương, đậu tương bằng 0%; Quyết định 116 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung mặt hàng TĂCN vào danh mục bình ổn giá... Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn thiếu nguyên liệu TĂCN giàu đạm.
Theo dự báo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO), chăn nuôi và sản xuất sữa của các nước đang phát triển vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn các nước phát triển. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước khu vực, nhất là Trung Quốc, ngày càng lớn.
Ông Lịch cho rằng, để đạt được mục tiêu đưa giá trị chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp lên 28-30% vào năm 2011, năm 2015 đạt 33-35%, năm 2020 lên 38-40% thì cần đầu tư mạnh cho ngành sản xuất TĂCN. TĂCN là cốt lõi của ngành chăn nuôi, muốn đạt được mục tiêu đề ra, cần sớm có giải pháp bình ổn giá TĂCN.
Cụ thể là xây dựng hoặc khuyến khích cho các cá nhân, tập thể đầu tư xây dựng 2 cảng chuyên dùng nhập khẩu TĂCN, một ở phía Bắc và 1 ở phía Nam. Bên cạnh đó, tổ chức sàn giao dịch nguyên liệu TĂCN, sàn giao dịch lợn giống, thịt lợn... Có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững.