Tóm tắt:
- Thực phẩm tươi sống tại Siêu thị hạ khoảng 15% so với cách đây 1 tháng.
- Giá rau củ và thịt các loại tại chợ lẻ hạ đáng kể.
- Nguồn cung không còn thiếu
.
Người tiêu dùng thở phào
Theo khảo sát của PV, hiện giá các loại rau củ quả như cà chua, bắp cải, xà lách, khoai tây... bán tại các chợ xanh trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm đáng kể so với cách đây gần 1 tháng. Cụ thể, bắp cải giảm còn 4.000 -6.000 đồng/kg,cải ngọt 5.000 đồng/kg, rau muống 4.000 đồng/mớ, cà chua 7.000 đồng/kg; và các loại rau gia vị như mùi, thơm, thì là khoảng 1.000 đồng một mớ.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng giảm nhiệt theo. Thịt lợn giảm từ 5 – 10.000 đồng/kg; thịt gà, vịt giảm 3.000 đồng/kg. Hiện tại đa số các chợ ở Hà Nội, giá thịt lợn mông bán ra từ 100.000 - 105.000 đồng/kg,thịt lợn ba chỉ là 95.000 đồng/kg; thịt bò thăn có giá dao động từ 155.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò mông 140.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị lớn như Metro, Big C, Fivi Mart, các loại thực phẩm cũng đã bắt đầu được niêm yết giá mới, thấp hơn từ 7-10% so với tháng trước. Khảo sát tại Big C Thăng Long, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm giá 15%. Hiện sườn non giá 120.000 đồng/kg, thịt vai lợn không xương 110.000 đồng/kg và thịt đùi bò 169.000 đồng/kg. Rau củ quả Đà Lạt có mức giảm đến 50%. Thủy hải sản tươi sống có giá giảm 15%, nghêu có giá bán 23.500 đồng/kg, mực ống trứng 139 .000 đồng/kg...
Nguồn cung đã đủ
Theo nhiều chủ hộ chăn nuôi tại Bắc Giang, Hải Dương, giá thịt lợn hơi do tư thương mua tại chuồng đã giảm nhiều so với cách đây nửa tháng. Cụ thể, lợn hơi trọng lượng từ 70-80kg/con có giá từ 51-52.000 đồng/kg. Gà công nghiệp giá 32-33.000 đồng/kg, còn gà ta giá khoảng hơn 80.000 đồng/kg.
Một điều đáng lưu ý là theo thống kê của cơ quan thú y, lượng thịt NK của TP.HCM từ đầu năm đến nay đạt hơn 40.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ riêng trong tháng 7/2011, lượng thịt NK đã đạt gần 50% tổng lượng NK trong 6 tháng đầu năm.
Trước tình trạng trên, Bộ NN-PTNT đã có công điện yêu cầu tăng cường quản lý gia súc, gia cầm nhập lậu, đặc biệt kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
|
Lý giải nguyên nhân giá thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt, giảm nhiệt, Bộ NN-PTNT cho biết, sau một thời gian bỏ chuồng, người chăn nuôiđã bắt đầu tái đàn. Hiện tổng đàn lợn đạt 24,46 triệu con, tăng khoảng 0,6% so với hồi thấp điểm tháng 4-5, chăn nuôi trâu bò cũng tăng nhẹ từ 0,4 - 0,5%. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá thực phẩm hiện đã ổn định, giảm từ 5 - 10% so với đợt cao điểm “sốt giá” hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công thương, từ nay đến cuối năm, nhu cầu thực phẩm lại có xu hướng tăng, do đó giá cũng khó có thể giảm thêm nữa. Cụ thể, nhu cầu thịt lợn 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ tăng khoảng 3 - 5% so với 6 tháng đầu năm.Thời điểm này, việc tăng nguồn cung đang là đòi hỏi cấp thiết. “Nguồn cung có thểbây giờ đã đủ, nhưng các tháng tiếp theo, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nếu không chuẩn bị nguồn ngay từ bây giờ thì khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước”, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhận định.
Lý giải vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết: “Để thúc đẩy nguồn cung thực phẩm, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi với người chăn nuôi, đặc biệt là hỗ trợ về lãi suất ngân hàng đối với người chăn nuôi”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam