Gần đây, nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như sử dụng formol trong bánh phở, sử dụng hàn the trong giò, dùng phân urê để ướp cá biển và trong nước mắm... đã được phát hiện song những đối tượng thực hiện những việc này không bị truy tố, xử lý hình sự. Bộ Luật Hình sự năm 1999 tại Điều 244 quy định tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như sau: Chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại về tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo giải thích của các cơ quan toà án, viện kiểm sát, điều đó có nghĩa là nó phải gây hậu quả là chết người hoặc nếu không chết người thì phải gây ngộ độc hàng loạt ngay sau khi sử dụng chất vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đó.
Theo thông báo của các cơ quan khoa học, nếu ăn uống các chất phụ gia nêu trên thì nó đều được tích lũy, tồn dư trong cơ thể một thời gian và gây bệnh ung thư. Như vậy, tuy nó không gây chết người ngay lập tức, song nó sẽ gây bênh ung thư và người đã mắc bệnh ung thư thì nguy cơ tử vong là gần như 100%.
Chúng ta đã biết số người bị mắc và chết vì ung thư hàng năm tăng lên nhanh chóng và nguyên nhân lớn là do thực phẩm.
Với quy định hiện nay trong Bộ Luật hình sự, đối tượng đưa các chất độc hại vào thực phẩm rất khó có thể truy tố trước pháp luật được, mà như vậy thì không đủ sức răn đe, các đối tượng không sợ bị trừng phạt nên vẫn tiếp tục và gia tăng tái phạm.
Cho đến nay, Bộ Y tế chỉ mới ban hành danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, mà chưa có quy định các chất phụ gia cấm đưa vào thực phẩm. Đây là kẽ hở rất lớn, không có cơ sở để truy tố các đối tượng sử dụng phụ gia độc hại vào thực phẩm.
Đề nghị các ngành tư pháp, hành pháp cần bổ sung sửa đổi những thiếu sót trong các văn bản pháp luật trên để xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các trường hợp đưa chất độc hại vào thực phẩm nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.