Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Qũy phát triển DNVVN: Hướng mở thời "bão" giá
29 | 08 | 2011
Thiếu vốn đang là vấn đề đè nặng lên vai các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước qua các ngân hàng lại bị hạn chế bởi thủ tục rườm rà, quy trình khắt khe. Vì vậy, nếu sớm đưa Quỹ phát triển DNVVN vào hoạt động thì các đơn vị sẽ giải quyết được bài toán vốn và có thể trụ vững trong thời kỳ khó khăn này.


Bài toán chưa có lời giải

Hiện nay DN phải chịu lãi suất vay vốn ngân hàng từ 22-25%/năm. Với mức này, nhiều chủ DN đùa với nhau rằng: "Chỉ còn biết thở ôxy và hít khí trời để sống". Ông Hùng Chú Thích, Chủ tịch Hội DN trẻ Bạc Liêu cho biết, với tình hình hiện nay, Nhà nước rất cần có một đợt "lọc" ngân hàng, bởi lãi suất theo quy định chêch lệch đầu vào/ra là 3%/năm, lãi suất trần Ngân hàng Nhà nước là 14% thì cho vay phải là 17,6% (ngân hàng được hưởng 3,6%/năm), nếu vượt lên thì Nhà nước phải bù. Ví dụ, hiện nay, lãi suất đã vượt 20,1%/năm thì Nhà nước phải bù 2,5%. Thực tế, các ngân hàng nhỏ không đủ tiềm lực tài chính đã tự ý nâng cao lãi suất, buộc ngân hàng lớn phải nâng theo. Do đó, những ngân hàng nhỏ phải được gom lại để khỏi "phá" ngân hàng lớn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh cho DNVVN vay vốn, giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ bảo lãnh DNVVN vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện, hầu hết các DN đều "vướng" các điều kiện, nhất là thiếu dự án khả thi! Nhiều DN cho biết, không phải họ không muốn tiếp cận các quỹ này mà vì rất khó để được vay ưu đãi, trong đó, DN phải trình bày đủ 3 yếu tố quan trọng: hiệu quả dự án đến đâu, tài chính thực hiện như thế nào và thời gian thực hiện. Trong đó, dự án phải có đầy đủ về thị trường đầu vào, đầu ra như tổng đầu tư, kế hoạch thực hiện, thị trường nguyên liệu, nhân công, máy móc, đặc thù sản phẩm, nhu cầu… để các tổ chức tín dụng có đủ lòng tin về mức độ khả thi thì mới đồng ý hỗ trợ vốn. Điều này là quá khó đối với hầu hết DNVVN.

Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN cần nhìn nhận lại những điểm mạnh-yếu của mình để tìm ra một giải pháp căn cơ. Chẳng hạn như về vốn, có thể sử dụng các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng như hợp tác công-tư, chứng khoán hay tận dụng các quỹ đầu tư… Tuy nhiên, để làm được điều đó, các DNVVN rất cần có tư duy đột phá.

Quỹ phát triển DNVVN: Yêu cầu cấp bách

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, để hỗ trợ DNVVN và cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đều có các tổ chức tín dụng, tài chính chuyên biệt đứng ra đảm nhiệm.

Chẳng hạn ở Nhật Bản có Công ty Tài chính cho DNVVN (JFC), là công ty 100% vốn Nhà nước với hai bộ phận trực tiếp hỗ trợ cho cá nhân và DN siêu nhỏ. Ở Thái Lan có ngân hàng phát triển DNVVN với chức năng chính là hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN VVN làm nền tảng phát triển vững chắc cho nền kinh tế. Hàn Quốc có Công ty Quản lý DNVVN (SBC), một tổ chức phi lợi nhuận được Chính phủ thành lập từ năm 1979, đảm nhiệm việc cung cấp tài chính và các chương trình phi tài chính cho DNVVN, nhằm mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, hợp tác toàn cầu… Ngoài ra, theo lộ trình hợp tác phát triển DNVVN trong các nước ASEAN, "Bản hành động cộng đồng kinh tế" được thông qua tại Hội nghị Thượng định ASEAN 13 (diễn ra ngày 18-22/11/2007 tại Singapore), giai đoạn từ năm 2014-2015 sẽ thành lập Quỹ phát triển DNVVN cấp khu vực nhằm tài trợ cho các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, thân thiện với môi trường của cộng đồng DNVVN.

Ở nước ta, vốn đầu tư hàng năm cho DN Nhà nước tới 36% GDP, song chỉ 44%DN làm ăn có lãi, 44% hòa vốn và 12% thua lỗ. Trong khi đó, các DN tư nhân lại đang hoạt động rất hiệu quả và đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế. Vì vậy, trước yêu cầu bức xúc về phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, việc thành lập Quỹ phát triển DNVVN Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Quỹ lúc này đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, đó là Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 và Nghị quyết 22/2010/NQ-CP ngày 5/5/2010 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNVVN...

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Asiainvest, kiêm Phó tổng thư ký Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam cho biết, chưa có con số cụ thể về vốn ban đầu của quỹ này nhưng sẽ tương đối lớn. Vốn Nhà nước cấp chỉ một phần, phần còn lại sẽ được xã hội hóa.

Cũng theo ông Bách, Đề án xây dựng và cơ chế quản lý điều hành Quỹ đã được các bộ, ngành chức năng xem xét và trình Chính phủ để quyết định thực hiện, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan, ban ngành khác là thành viên sáng lập của Quỹ; chịu trách nhiệm điều hành chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà trực tiếp là Cục Phát triển DN. "Việc ra đời của quỹ này sẽ tạo động lực và cơ hội cho cộng đồng DNVVN Việt Nam phát triển", ông Bách khẳng định.

 

Theo KTNT



Báo cáo phân tích thị trường