Theo Diễn đàn An toàn Thực phẩm Toàn cầu, Trung Quốc trở thành tấm gương cho các nước Châu Á khác khi nước này bắt tay vào thành lập Ủy ban An toàn Thực phẩm và ban hành Luật An toàn Thực phẩm mới vào năm 2009.
Tiếp đó, chính phủ Trung Quốc quyết định tiến hành thanh kiểm tra trên toàn quốc các sản phẩm sữa, dầu ăn, thực phẩm bổ dưỡng, thịt và rượu; đồng thời có biện pháp cứng rắn chống sử dụng bất hợp pháp các chất phụ gia trong thực phẩm.
Hiện Trung Quốc và các nước Châu Á đang thực hiện quản lý an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, lây nhiễm và ươn hỏng, bệnh thú y và cây trồng cũng như cố ý gây nhiễm độc .
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các công ty có thể hưởng lợi từ việc cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm vì người tiêu dùng luôn muốn mua những sản phẩm tốt và an toàn hơn.
Bên chứng nhận thứ 3
Ngành thực phẩm Trung Quốc và Châu Á được khuyến cáo nên tìm đến với các tổ chức chứng nhận thứ 3 như các nước phương Tây đã áp dụng từ nhiều năm nay. Điều này đặc biệt cần thiết bởi chính phủ một số nước, ví dụ Mỹ, đang có kế hoạch sử dụng bên chứng nhận thứ 3 để thiết lập hệ thống kiểm soát an toàn chất lượng đối với hàng NK vào Mỹ.
Năm 2009, có 70% nước táo ép, 43% nấm chế biến sẵn, 22% rau chân vịt và 78% cá rô phi tiêu thụ tại Mỹ được NK từ Trung Quốc.
Việc Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh chứng nhận chất lượng và hài hòa hóa các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm có thể làm giảm tổng chí phí giao dịch, và cần thiết phải có một mạng lưới phối hợp đồng bộ trong ngành thực phẩm nhằm tạo cơ sở thực hiện mục tiêu trên. Tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt sẽ giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh của thực phẩm và DN thực phẩm, xóa bỏ rào cản trong thương mại thực phẩm và giảm các tác động tiêu cực đến sự ổn định xã hội đối với những đất nước như Trung Quốc.
Theo Vasep