Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ODA: Hiệu quả chưa phải là mục tiêu quản lý!
19 | 06 | 2007
Các dự án đầu tư bằng nguồn ODA đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn ODA chưa thể được xem là đã phát huy tối đa hiệu quả khi mà cách quản lý còn nặng về mục tiêu hoàn thành dự án hơn là hiệu quả khai thác.
Mục tiêu là số lượng!

Cuộc thăm dò ý kiến tại 24 cơ quan chủ quản và quản lý vốn viện trợ phát triển (ODA), do Chương trình Nâng cao năng lực toàn diện về quản lý ODA tại Việt Nam (CCBP) thực hiện, cho kết quả rất đáng suy nghĩ về sự quan tâm đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. “Phải quản lý dựa vào kết quả”, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ODA theo nội dung Cam kết Hà Nội, lại là một trong ba nội dung ít được tán đồng nhất.

Ông Trần Hùng, chuyên gia của CCBP, cho biết chỉ có 70,2% số người được hỏi tán thành quan điểm phải quản lý việc sử dụng ODA theo kết quả. Số còn lại không đồng ý hoặc không trả lời. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy sự mơ hồ của nhiều chuyên viên và cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý vốn đầu tư theo nội dung này. “Quản lý dựa vào kết quả là một khái niệm mới, cần có nghiên cứu sâu”, ông Hùng nói.

Tiến sĩ Dương Đức Ưng, Cố vấn cấp cao Dự án CCBP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng lâu nay Việt Nam hầu như chỉ quản lý đầu vào các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nghĩa là việc quản lý thiên về mục tiêu hoàn thành dự án hơn là hiệu quả mà nó mang lại. Ông nói: “Cách quản lý của chúng ta là chỉ cần có công trình. Còn vấn đề công trình đầu tư có được đưa vào khai thác đúng hạn và phát huy hiệu quả như mong muốn; có được quản lý, bảo dưỡng tốt hay chỉ sau thời gian ngắn đã bị xuống cấp... thời gian qua ít được quan tâm. Đó là nguyên nhân vì sao nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp rất nhanh. Theo ông, thực trạng quản lý sử dụng vốn ODA cũng không khác là mấy so với cách làm của ngành giáo dục, trong đó số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học được chọn làm chỉ tiêu để đánh giá kết quả, còn chất lượng của những sinh viên ra trường ra sao, họ có việc làm và có làm đúng ngành nghề được đào tạo hay không thì ít được quan tâm.

Nhìn rộng ra, quản lý không dựa vào kết quả không chỉ có trong những dự án sử dụng vốn ODA, mà là tình trạng chung của các công trình đầu tư bằng ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Thực tế này lý giải vì sao tỷ lệ tổng sản phẩm trong nước (GDP) được huy động để đầu tư trở lại cho nền kinh tế lên đến 41%, cao hơn nhiều so với mức bình quân trên 30% cách nay trên 10 năm, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn không bằng những năm 1995-1996.

Mặc dù vừa qua Việt Nam đã có một số tổng kết về tình hình thực hiện và hiệu quả sử dụng ODA, nhưng trong chương trình nghiên cứu, CCBP đã không thể đưa ra được một con số cụ thể nào để đánh giá việc quản lý sử dụng vốn ODA theo kết quả đạt được tới mức độ nào, do các chủ quản ODA cấp địa phương, các bộ ngành và bốn cơ quan quản lý cấp quốc gia không có đủ dữ liệu cần thiết để cung cấp cho chương trình.

Hiện nay, vấn đề Việt Nam cần làm để thay đổi quan điểm quản lý các công trình đầu tư bằng ODA nói riêng và ngân sách nhà nước nói chung là làm rõ khái niệm cũng như nội dung cụ thể của phương thức quản lý theo kết quả. Kinh nghiệm của các nhà tài trợ sẽ ít nhiều hữu ích cho các cơ quan quản lý đầu tư của Việt Nam. Ông Dương Đức Ưng cho biết, sau khi xây dựng xong quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, Nhật Bản đã thực hiện chương trình nghiên cứu để đánh giá tác động của tuyến đường đối với các địa phương mà nó đi qua. Họ đã phát hiện bên cạnh những hiệu quả về kinh tế, tuyến đường cũng làm phát sinh một số vấn đề xã hội liên quan đến việc đi lại của người dân và an toàn giao thông. Từ đó, phía Nhật Bản đã tiếp tục tài trợ để đầu tư bổ sung thêm các tuyến đường nối, cầu vượt cho trục quốc lộ này. “Đó là một ví dụ về cách quản lý dựa theo hiệu quả”, ông Ưng nhấn mạnh.

Một dự án, hai hệ thống thủ tục

Ngoài vấn đề kể trên, sự không hài hòa, hay nói cách khác là sự chồng chéo trong các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai cũng ảnh hưởng không ít đến hiệu quả sử dụng vốn ODA. Theo Bộ Tài chính, chỉ có 4% lượng vốn ODA áp dụng các quy định về đấu thầu và 3% sử dụng hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam, còn lại là theo cách thức của nhà tài trợ. Các báo cáo đánh giá tác động về môi trường và xã hội, tỷ lệ áp dụng theo quy định của Việt Nam lần lượt là 9% và 0,4%.

Do chồng chéo, nên rất nhiều dự án sử dụng vốn ODA phải thực hiện một lúc hai hệ thống thủ tục. Chẳng hạn, trong cùng một dự án nhưng phải lập đến hai báo cáo nghiên cứu khả thi, một để nộp cho Chính phủ Việt Nam xem xét phê duyệt, còn nhà tài trợ thì xem xét phê duyệt một bản khác. Chủ dự án có thể sử dụng “văn kiện dự án Việt Nam” để xử lý các vấn đề nội bộ, chẳng hạn như với Kho bạc Nhà nước, đồng thời sử dụng “văn kiện nhà tài trợ” để giải quyết vấn đề đối ngoại. “Lỗ hổng pháp quy này có thể bị lợi dụng vào các hoạt động phi pháp”, ông Dương Đức Ưng nhấn mạnh.

Cách làm hai hệ thống thủ tục kể trên làm gia tăng chi phí chuẩn bị dự án lên gấp đôi, như phải bỏ hai lần chi phí cho hai bản nghiên cứu khả thi. Đồng thời nó còn kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, do phải chờ cả hai phía xem xét, phê chuẩn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư và tiến độ giải ngân. Ông Trần Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong năm nay chỉ đạt khoảng 13%, thấp hơn cả mức bình quân 25% của các nước kém phát triển hơn Việt Nam ở châu Phi”.

Ngoài ra, nó còn góp phần làm nảy sinh mô hình những ban quản lý dự án (PMU) song trùng, với bộ máy thực hiện công việc quản lý dự án nhưng chịu trách nhiệm với cả tổ chức tài trợ, thay vì chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan Chính phủ Việt Nam.

Tình trạng trên là do nhiều quy trình và nội dung thủ tục đầu tư của Việt Nam chưa theo chuẩn mực quốc tế. Do vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần rà soát, điều chỉnh lại các văn bản pháp lý của mình để tiếp cận được với chuẩn mực chung của phía tài trợ. “Sắp tới, Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ sẽ phối hợp với nhau để tiến tới thực hiện chính sách một cửa đối với dự án sử dụng vốn ODA. Nếu nhà tài trợ đã thẩm định các văn kiện, thì phía Việt Nam sẽ không làm nữa và ngược lại. Vì suy cho cùng, một dự án thì không thể có hai kết quả thẩm định khác nhau. Đó cũng là một trong những mục tiêu của Cam kết Hà Nội”, ông Dương Đức Ưng cho biết.

Cam kết Hà Nội là gì?

Tháng 3-2005, tại cuộc họp ở Paris (Pháp), các nhà tài trợ và nước nhận viện trợ thống nhất cần thỏa thuận những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, để thông qua đó có được nguồn lực bổ sung cho Quỹ ODA của thế giới. Từ đó, Tuyên bố Paris về hiệu quả viện trợ ra đời.

Việt Nam đã phối hợp với các nhà tài trợ để “địa phương hóa” các cam kết trong Tuyên bố Paris thành Cam kết Hà Nội. Cam kết này đã được Chính phủ thông qua vào tháng 9-2005 và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của Cam kết Hà Nội nhằm phát triển sự hợp tác giữa Chính phủ và các nhà tài trợ trên cơ sở đồng thuận nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng, bình đẳng xã hội, phát triển thể chế, tăng cường nguồn nhân lực và thúc đẩy các mục tiêu phát triển của Việt Nam... (Nguồn: Sổ tay hỏi đáp về Cam kết Hà Nội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.)

(Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Báo cáo phân tích thị trường