Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngày Liên Hiệp Quốc, nói chuyện những món nợ
01 | 08 | 2007
Hôm nay (24/10), là ngày kỷ niệm 61 năm thành lập tổ chức Liên hiệp quốc, chúng tôi xin đăng bài viết của tác giả Thục Minh, phóng viên báo Thanh Niên thường trú tại Bangkok bàn luận đôi điều về “chuyện những món nợ ODA" - 2 mặt của khoản viện trợ từ các thế chế tài chính dành cho những nước nghèo và đang phát triển.

Thông điệp của vị Tổng thư ký sắp từ nhiệm Kofi Annan trong ngày LHQ năm nay với chủ đề "Cổ vũ cho mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" nhấn mạnh rằng: Trong 10 năm ông nắm giữ cương vị người đứng đầu, LHQ đã góp phần gia tăng nguồn hỗ trợ và xóa nợ đối với các nước nghèo.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm 60 năm, LHQ phát hành cuốn tư liệu 60 cách Liên Hiệp Quốc tạo nên sự khác biệt. "Cách" đầu tiên được nói tới đó là "Thúc đẩy phát triển". Thật vậy, các cơ quan của LHQ như Chương trình Phát triển (UNDP), Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Tổ chức Y tế (WHO)... đã có mặt ở hầu hết các quốc gia, đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ về mặt xã hội, con người, nhất là ở các nước đang phát triển.

Liên Hiệp Quốc với 2 thể chế tài chính là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã đem một nguồn vốn đáng kể đến các quốc gia đang phát triển. Riêng WB mỗi năm viện trợ không hoàn lại và cho vay tổng cộng 18-20 tỉ đô la. Các khoản viện trợ và cho vay như thế được gọi nôm na là ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức). ODA còn đến từ các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) và các ngân hàng. Cùng với các nguồn vốn vay mượn, đầu tư từ nước ngoài, ODA góp phần cải thiện đời sống kinh tế, xã hội một số quốc gia. Nhưng cũng chính nó và các khoản vay khác đã biến nhiều quốc gia khu vực châu Phi cận Sahara, và Mỹ La-tinh trở thành những con nợ mất khả năng chi trả, kinh tế kiệt quệ.

Việt Nam ký thỏa thuận vay vốn ODA đầu tiên vào năm 1992. Tính đến cuối năm 2002, các cam kết cho vay đối với Việt Nam đạt tổng giá trị 22,5 tỉ đô la, trong đó 18 tỉ đô la đã trở thành cam kết có hiệu lực. Nhật Bản là quốc gia hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt nam với khoảng 11 tỉ đô la (tính đến năm 2005). Một báo cáo của Tổ chức phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO) năm 2003 đánh giá rằng Việt Nam đã sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn ODA trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông), nguồn nhân lực, công nghiệp và khu vực nông thôn. Nhưng vấn đề sử dụng đồng vốn ODA như thế nào, đúng hay sai, vẫn đang là một vấn đề đáng bàn ở các nước đang phát triển.

Tôi nhớ "bài học về ODA" khi tôi đang học thạc sĩ tại Bỉ hồi cuối năm 2004. Trong buổi thảo luận cuối môn học, mỗi sinh viên được yêu cầu trình bày nghiên cứu của mình về ODA. Cô bạn người Eritrea, quốc gia châu Phi láng giềng với Ethiopia, xung đột triền miên, cay đắng trình bày "phát hiện" của cô rằng: 85% vốn ODA vào khu vực châu Phi bị rơi vào túi các quan tham và các chi phí quản lý hành chính. "15% còn lại đầu tư được gì? Rồi tiền đâu mà trả nợ?" - cô ta bức xúc. Anh bạn người Việt Nam thì cho biết một báo cáo kết luận rằng 80% dự án có vốn ODA của WB trên toàn thế giới là "không sinh lợi lộc gì", trong khi các ràng buộc và các cam kết "bánh quy đổi lại" để được vay là không thể không tính đến. Tôi hiểu ra tại sao nhiều nước nghèo mãi mãi là những"con nợ mất khả năng chi trả". Khu vực Mỹ La-tinh năm 2003 nợ khoảng 530 tỉ đô la; Mexico năm 1982 tuyên bố "mất khả năng trả nợ". Vùng châu Phi cận Sahara nợ 200 tỉ đô la, bằng 83% tổng sản phẩm quốc gia (GNP); riêng tiền lãi hằng năm là 10 tỉ đô la, gấp 4 lần chi tiêu cho giáo dục và sức khỏe.

WB, IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, cũng như các nhà tài chính Việt Nam đều cho rằng các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam là nằm trong giới hạn cho phép và có khả năng chi trả. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào ODA từ năm 2010 trở đi. Đó là một chiến lược khôn ngoan để giữ được sự tự chủ về kinh tế. Còn từ năm 2006-2010, chúng ta vẫn tiếp tục cần ít nhất 11 tỉ đô la vốn ODA cho các dự án phát triển.

Sáng qua ngồi ở Bangkok nghe Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin Nhật Bản cam kết sẽ xem xét tăng ODA cho Việt Nam, thật lòng mà nói, tôi không vui hơn. Cách đây vài tháng, khi WB tuyến bố họ có thể sẽ rút lại các khoản ODA cho Việt Nam, thú thật tôi cũng không lo ngại lắm. Điều sẽ làm tôi quan tâm và vui sướng hơn nếu một ngày tôi nghe rằng mỗi đồng vốn ODA vào Việt Nam đều được quản lý chặt chẽ và đầu tư có hiệu quả, mỗi dự án bằng vốn ODA thật sự là một phúc lợi cho người dân. Có như thế các nước đang phát triển mới mong trả được nợ và thịnh vượng hơn. Và LHQ, với sứ mệnh bảo vệ hòa bình và ấm no cho nhân loại cũng được tiếng thơm khi đồng tiền từ IMF, từ WB thực sự có ý nghĩa đối với 2/3 dân số thế giới.



Thục Minh (Báo Thanh Niên)
Báo cáo phân tích thị trường