“Ít quá”
Chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi đọc hợp đồng cho vay ấy. Hợp đồng ghi rõ, Cty TNHH TPA (Hải Phòng) cho Cty C (Đồng Nai) vay... 1.000 tỷ VNĐ trong thời gian 10 năm. Tài sản thế chấp là toàn bộ Dự án xây dựng một khu dân cư làng đồi tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai của Cty C. Lãi suất cho vay là 10,8 %/năm, thấp hơn rất nhiều mức lãi suất của nhiều ngân hàng trong nước. Thời gian trả nợ là 10 năm với 5 năm đầu không thu gốc. Tóm lại, điều kiện cho vay vô cùng hấp dẫn, đặc biệt trong giai đoạn thiếu vốn. Về chi phí, thì Cty C phải trả cho Cty TNHH TPA 4% tổng giá trị món vay, tương đương 40 tỷ VNĐ. Nhưng không trả trước, mà trả làm 2 đợt tương ứng với mỗi lần giải ngân theo quy định tại Hợp đồng vay vốn.
Vậy thì “chân dung” DN tư nhân “của ta” dám cho vay tới… 1.000 tỷ VNĐ ấy ra sao ? Chúng tôi đã tìm tới DN này. Hai cô nhân viên Văn phòng Cty TNHH TPA thậm chí chẳng buồn yêu cầu giấy giới thiệu công tác, mà chỉ luôn chúng tôi lên gặp “chuyên viên” K ngồi ở tầng 2. Màn gặp gỡ “chuyên viên” K bắt đầu bằng câu hỏi: các anh muốn vay vốn ? Sau cái gật đầu xác nhận là một “sông” thông tin tuôn ra ào ạt: chúng tôi là đại diện cho nhiều quỹ tài chính nước ngoài, tổng giá trị họ ủy quyền để chúng tôi cho DN Việt Nam vay là… 15 tỷ USD. Thời gian, thủ tục, lãi suất do chúng tôi… quyết định ! Nếu muốn vay, các anh làm đơn theo mẫu này, chuẩn bị các hồ sơ theo mẫu này. Chúng tôi sẽ cử người tới Cty các anh thẩm định, sau đó sẽ tư vấn và ký hợp đồng cho vay với các anh.
“Chuyên viên” K khẳng định không thu phí thẩm định, tư vấn, thực hiện thủ tục… vay vốn trước, mà tính tất cả các loại phí này vào hợp đồng vay vốn. Vừa nói, “chuyên viên” K vừa nói vừa khua trong tay mớ giấy tờ, ảnh chụp và khoe rằng đó là hợp đồng ủy quyền cho vay vốn, là ảnh lễ ký hợp đồng ủy quyền cho vay vốn giữa các quỹ nước ngoài với Cty TNHH TPA, là danh sách những DN Việt Nam đã được… giải ngân ! “Chuyên viên” K tỏ ra vô cùng... thất vọng với đề nghị vay của chúng tôi: 10 tỷ VNĐ. “Ít quá” – ông này nói.
Nhanh nhất !
Chỉ mất chưa đầy 2h đồng hồ, một Cty CP của Hải Phòng đã vay được 650 triệu VNĐ phục vụ sản xuất. Lý do là Cty này lựa chọn vay lãi ngoài vì thủ tục cực kỳ đơn giản và nhanh chóng. Vị giám đốc Cty mang Sổ đỏ nhà mình và viết giấy bán nhà giao cho người cho vay và nhận tiền. Lý do phải viết giấy bán nhà, là nếu không trả được nợ đúng hẹn, người cho vay sẽ lấy nhà của người vay, và bán luôn mà không lo bị phạm tội. Ngoài tiền, người vay chỉ cầm lại giấy nhận nợ để làm bằng cớ thể hiện đã vay tiền. Lãi suất cho vay kiểu này là kinh khủng, có thể lên tới 3.000 VNĐ/ngày (hoặc hơn) cho mỗi triệu VNĐ vay ngoài. Nhưng có thể hoàn toàn... yên tâm, vì người cho vay sẽ không bao giờ tự ý bán nhà của người vay trước thời hạn trả nợ. “Họ làm ăn giữ chữ tín lắm” – vị giám đốc này nói.
Đó không là lời nói dễ dãi. Từ lâu nay, ngoài hệ thống ngân hàng, đã hình thành một hệ thống tín dụng, tạm gọi là tín dụng “đen”, vì mức lãi suất “cắt cổ” của nó. Hệ thống này là liên kết của những người có vốn, thường là những chủ cửa hàng vàng, cửa hàng cầm đồ, chủ DN... với dân xã hội đen, thậm chí cả dân buôn ma túy. Ngoài ra, hệ thống nay còn có phần tham gia tích cực của không ít cán bộ ngành ngân hàng – những người luôn có lợi thế hơn hẳn trong huy động nguồn tiền và cũng có sẵn những khách hàng “tiềm năng” luôn thiếu vốn nhưng lại không đủ thời gian, hoặc đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Với kiểu liên kết này, hoạt động cho vay nặng lãi không cần đến sự hỗ trợ của các thiết chế pháp luật. Vì chỉ nội chuyện mất nhà (hay... mất mạng) một cách nhanh chóng nếu không trả nợ đã đủ giám sát chặt chẽ các con nợ rồi.
Thực ra, hai hình thức cho vay trên đều đã xuất hiện từ lâu, nhưng đặc biệt nở rộ trong thời gian gần đây. Và các DN cũng chẳng “gà mờ” đến mức không phân biệt được lời rao có 15 tỷ USD để cho vay là nói khoác, hay không biết sẽ chịu lãi suất “cắt cổ” nếu vay ngoài. Nhưng vì sự tồn tại, DN vẫn nhắm mắt lao vào cuộc đua đầy chất “đỏ, đen” này. Vì sao ? Ngoài hy vọng mong manh sẽ được vay từ khoản vốn 15 tỷ USD kia (nếu “nhỡ đâu” nó có thực), không ít DN sẵn sàng bỏ vài trăm triệu VNĐ gọi là ứng trước phí vay vốn để đổi lấy bản hợp đồng vay vốn. Sau đó mang hợp đồng này để lừa đảo, vay tiền những người nhẹ dạ khác chỉ bằng chiêu bài cũ rích: lãi cao. Đó là một phần nguyên nhân của những vụ vỡ nợ hàng chục, hàng trăm tỷ VNĐ thời gian vừa qua. Còn với những DN phải vay với lãi suất “cắt cổ”, lý do đơn giản hơn nhiều: không vay thì phá sản, phải vay để duy trì hy vọng tồn tại. Thế nên, nếu có sự liên hệ, hoán chuyển giữa loại lừa đảo hợp đồng tín dụng nêu trên với loại DN sẵn sàng vay lãi ngoài thì cũng là điều lạ. Vì cả hai đều là “con đẻ” của giai đoạn tín dụng thắt chặt, hay là cụ thể hóa hiện thực khó khăn của DN tư nhân khi tiếp cận vốn ngân hàng.