Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp nước ngoài "bỏ chạy" khỏi nông nghiệp
17 | 12 | 2008
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, đã có giai đoạn thu hút FDI vào nông nghiệp đạt con số rất cao, nhất là năm 1995 khi FDI đạt gần 570 triệu USD. Song, ba năm gần đây, dòng vốn này "rót" vào nông nghiệp vẫn "dậm chân tại chỗ", nếu không nói là "teo" đi.

Khi nhà đầu tư "tháo chạy"

Công ty quốc tế Kiên Tài là doanh nghiệp (DN) liên doanh giữa Centre Trading and Development Corp., Công ty Astro (Đài Loan) và Công ty Nông - lâm sản xuất khẩu Kiên Giang, được Bộ KH-ĐT cấp giấy phép thành lập năm 1991 để trồng 60.000ha rừng nguyên liệu giấy tại tỉnh này. Sau 7 năm thực hiện dự án, công ty đã trồng được gần 23.300ha rừng bạch đàn, đào 237km kênh mương để thau chua, rửa phèn.

Song, điều tra khảo sát và tiến hành kinh doanh cây bạch đàn không hiệu quả do thay đổi quy hoạch sử dụng đất, DN không triển khai xây dựng nhà máy sản xuất giấy theo hợp đồng và tỉnh Kiên Giang không có khả năng di chuyển dân để giao đủ đất cho DN.

Do vậy, Bộ KH-ĐT đã ra quyết định chấm dứt hoạt động trước thời hạn và tiến hành thanh lý công ty liên doanh. Việc bồi hoàn cho bên nước ngoài theo thoả thuận là gần 1 tỷ USD và được hoàn tất vào ngày 30/4/2003.

Trồng trọt và chế biến nông, lâm sản đang được các DN nước ngoài quan tâm nhất khi đầu tư vào nông nghiệp (ảnh HY).

Đây là một ví dụ điển hình về sự thất bại của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Sự thất bại này có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do luật pháp, chính sách thay đổi và sự yếu kém của địa phương trong việc hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng.

Số liệu từ Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho thấy, cả giai đoạn 1988-2008, nông nghiệp mới thu hút được khoảng 966 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,7 tỷ USD, chỉ chiếm 10% số dự án và 3,3% số vốn đầu tư đăng ký FDI cả nước.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT gần đây chỉ ra, có 8 yếu tố đang trực tiếp tác động đến việc thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực nông lâm nghiệp: (1) Thủ tục hành chính; (2) Mặt bằng sản xuất; (3) Thị trường sản phẩm; (4) Nhân lực; (5) Chính sách của địa phương; (6) Nguyên liệu; (7) Môi trường xã hội; (8) Cơ sở hạ tầng. Các yếu tố này hầu hết chưa đủ "mạnh", thông thoáng để hấp dẫn cho các nhà đầu tư "ngoại".

Trong số trên, chỉ có khoảng 2 tỷ USD được giải ngân. Do luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía (điều kiện tự nhiên, thị trường, lãi suất, thu hồi vốn chậm theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi) nên có tới 30% số dự án bị giải thể trước thời hạn so với mức bình quân chung của cả nước là 20%, nhất là các dự án cấp trước năm 1992. Khá nhiều dự án FDI đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ hoặc triển khai chậm. Hiện có đến 1/3 số dự án đang tiến hành xây dựng cơ bản và triển khai các thủ tục khác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, đã có giai đoạn thu hút FDI đạt con số rất cao, nhất là năm 1995 khi FDI đạt gần 570 triệu USD. Song, 3 năm gần đây, dòng vốn này "rót" vào nông nghiệp "dậm chân tại chỗ", nếu không nói là "teo" đi.

Song, đến nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho sự sụt giảm này, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang kêu gọi và đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Tránh dẫm đạp nhau

Giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển của ngành NN-PTNT là 144.790 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn FDI chiếm khoảng 11%. Song, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần thừa nhận sẽ là rất khó khăn, bởi ngay cả việc kêu gọi DN trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng đã khó.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng Thư ký Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng, DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường nhắm đến 2 mục tiêu: dài hạn và ngắn hạn, nhưng cao nhất vẫn là lợi nhuận. Họ chấp nhận hy sinh mục tiêu ngắn hạn cho dài hạn.

Do vậy, thu hút FDI vào nông nghiệp cần hướng đến các DN có tiềm năng, với mục tiêu dài hạn bởi vòng quay lợi nhuận của nông nghiệp quá lâu so với công nghiệp và dịch vụ.

Hơn nữa, cần xây dựng và tuân thủ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xác định cụ thể từng vùng, từng địa phương có thế mạnh gì về sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, điều hành sao cho không dẫm đạp, cạnh tranh nhau.

Điển hình như tình trạng trồng ồ ạt vải thiều để rồi phải bán rất rẻ; trường hợp liên doanh mía đường Bourbon (Tây Ninh), quy hoạch thay đổi làm DN "chết đứng" khi tự dưng bị mất tới 50% diện tích vùng nguyên liệu.

Ông Trần Văn Giá, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cũng dẫn chứng, quy hoạch đến năm 2020 cả nước có 150.000ha chè thì phải xác định rõ vùng nào, tỉnh nào bao nhiêu hecta, không thể chung chung. Việc này có vai trò quan trọng của Bộ NN-PTNT.

Ví dụ, vùng Thanh Ba- Hạ Hoà (Phú Thọ) hiện nay có tổng diện tích hơn 6.400ha chè, sản lượng khoảng 31.000 tấn chè búp mà có ngót ngét 50 cơ sở chế biến, tổng công suất vượt quá 2,4 lần năng lực sản xuất nguyên liệu trong vùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Viết Mạnh nhận xét, do quy hoạch ngành và một số sản phẩm quan trọng chưa được xây dựng, hoặc triển khai chậm, lại dựa trên dự báo thiếu chuẩn xác nên không tạo điều kiện cho việc xây dựng danh mục, cũng như các chương trình kêu gọi vốn FDI.

"Nông nghiệp Việt Nam cần các nhà đầu tư có tiềm năng, có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Australia, Canada... mà DN các nước này từ lâu vẫn không ngó ngàng gì đến. Liệu chúng ta có gì chưa ổn về chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư?", Thứ trưởng Tần nghi ngờ.

Chính vì thế, Bộ NN-PTNT đề xuất, cần áp dụng cơ chế bảo lãnh, thế chấp thuận lợi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn FDI tiếp cận với vốn dễ dàng. Trong phân bổ vốn ODA, nên xem xét cho bên Việt Nam vay để tham gia góp vốn liên doanh triển khai các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Có chính sách hỗ trợ, thực hiện việc đền bù, giải tỏa đất thỏa đáng, nhất là đền bù đất cho nông dân. Ngoài ra, rất cần một cơ chế hỗ trợ rủi ro cho DN trong trường hợp bất khả kháng.

Một Quỹ xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm ngư nghiệp cũng nên được thành lập và sớm có bộ phận chuyên lo về thu hút đầu tư, dẫn dắt các DN nước ngoài trong việc tìm hiểu lĩnh vực nông nghiệp, nguồn hàng... tại Bộ NN-PTNT.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường