Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thức ăn chăn nuôi tăng theo tỷ giá
24 | 12 | 2009
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam vừa thống kê, 11 tháng đầu năm 2009, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên trên 1,7 tỉ USD và dự kiến hết năm nay đạt2 tỉ USD.

Như vậy, mỗi tháng, doanh nghiệp phải cần gần 200 triệu USD thanh toán nhập khẩu, để đáp ứng cho nhu cầu của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam vốn lệ thuộc trên 60% từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Để có đủ số ngoại tệ này, theo ông Phạm Đức Bình - chủ tịch hội đồng quản trị công ty Thanh Bình (Đồng Nai), phó chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi - doanh nghiệp xoay đủ mọi đường, từ ngân hàng, mua bên ngoài, và tất nhiên phải chấp nhận mức giá cao hơn khi mua USD so với giá niêm yết chính thức. “Sau lần thay đổi biên độ tỷ giá USD và tiền đồng hồi cuối tháng 11 vừa qua, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải mua USD chênh lệch so với giá niêm yết của ngân hàng đến 1.000đ/USD chứ không phải mấy trăm đồng như trước nữa”, ông Bình nói.

Giám đốc một doanh nghiệp ở TP.HCM cũng đưa ra tính toán, doanh số nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm nay của công ty đạt khoảng 20 triệu USD. Những tháng đầu năm, do tình hình USD trên thị trường còn dồi dào, doanh nghiệp mua thanh toán khá dễ, nhưng vẫn phải chịu giá cao hơn thị trường 200-300đ/USD. Nhưng càng về các tháng cuối năm, thị trường khan hiếm USD, do đã ký hợp đồng nên khi hàng về cảng, giá mua bán USD chênh lệch cỡ nào doanh nghiệp cũng phải mua. “Chỉ cần tính giá cao hơn mức trung bình 300đ/USD, năm nay công ty tôi mất 6 tỉ đồng vì chênh lệch tỷ giá”, ông nói.

Một số doanh nghiệp còn cho rằng họ bị lỗ nhiều lô hàng do tình trạng thay đổi tỷ giá. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại TP.HCM kể: đầu tháng 8.2009, công ty ký hợp đồng nhập khẩu lô hàng đậu tương Ấn Độ trị giá gần 2 triệu USD, sau đó bán lại cho một số nhà máy sản xuất thức ăn trong nước, giá chốt theo tỷ giá lúc đó là 18.550đ/USD. Đến đầu tháng 12, hàng về cảng, nhưng tỷ giá USD trên thị trường đã thay đổi, doanh nghiệp phải mua với giá 19.000đ/USD, chênh lệch tới 450đ/USD so với giá bán trước đó cho khách hàng. “Chỉ tính riêng việc thay đổi tỷ giá, chuyến hàng này công ty tôi bị lỗ 900 triệu đồng”, vị giám đốc trên nhăn nhó.

Ông Trần Tấn Thuật, giám đốc công ty TNHH Sao Xanh, một đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho hay tỷ giá thay đổi làm đội giá thành thức ăn thành phẩm thêm 5 - 8%. Khoản chênh lệch tỷ giá, tất nhiên doanh nghiệp phải tính vào chi phí giá thành, và nơi phải gánh chịu cuối cùng là nông dân và các nông trại chăn nuôi.

Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam còn cho biết, thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp buộc phải bội tín với khách hàng cũng chỉ vì tỷ giá USD và tiền đồng biến động. “Lúc ký hợp đồng, đặt cọc với đối tác nước ngoài thì tỷ giá tính có 18.500đ/USD, hai - ba tháng sau hàng về cảng thì tỷ giá tăng lên trên 19.000đ/USD, lấy hàng thì bị lỗ nên doanh nghiệp chọn cách... bỏ tiền cọc, chạy trốn”, ông Phạm Đức Bình nói thêm.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường