“Bao nhiêu cũng mua hết!”, thương nhân Trung Quốc tên Xuân nói bằng tiếng Việt lơ lớ khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn bán dừa. Giá dừa khô được thương nhân Trung Quốc chào mua ngày 24-9 vào khoảng 12.000 đồng/trái loại 1 và 10.000 đồng/trái loại 2 (dừa loại 1 trái có cân nặng từ 1,1 kg trở lên). Trước đó ít lâu, giá có lúc lên tới 15.000 đồng/trái loại 1.
Giá trên đà giảm hay tăng theo số lượng tàu do Trung Quốc thuê neo giữa dòng sông khúc trước mặt phà Hàm Luông cũ, những ngày này chỉ còn đâu đó 3,4 chiếc. Những ngày tấp nập có trên dưới 10 tàu biển đến đậu ở khúc sông này, chủ yếu mang biển đăng ký Hải Phòng do thương nhân Trung Quốc thuê để mua dừa do thương lái chủ yếu là người địa phương đi mua gom dừa ở các vườn, chở ra bán sau khi đã thống nhất giá cả, số lượng với trung gian là đại lý có đăng ký kinh doanh ở địa phương.
Trên những tàu dừa kiểu này, ngoài thương nhân Trung Quốc phụ trách toàn bộ hoạt động, còn có những người Trung Quốc khác làm nhiệm vụ giám sát những người làm thuê phân loại và chuyển dừa từ các ghe nhỏ lên tàu. Sơn là một người ở huyện Bình Đại được thuê để đảm nhận việc chuyển và phân loại cho biết cứ mỗi trái dừa anh được trả 25 đồng, sau mỗi ngày làm việc những người như Sơn nhận khoảng 150.000 đồng tức tương đương khoảng 6.000 trái dừa được phân loại và chuyển lên tàu mỗi ngày.
“Làm hết tàu này thì tôi chuyển qua làm cho tàu khác, mỗi tàu dừa như vậy “ăn” hàng trong khoảng chục ngày đổ lại là đầy tàu, nhổ neo đi, tôi lại chuyển qua làm cho tàu khác. Hiếm khi nào ở không lắm”, Sơn vừa nhanh nhẹn bốc dừa đưa lên trên và nhận những trái không đạt yêu cầu chuyển từ trên xuống, vừa nói. Những trái dừa bị khuyết tật, trái không đều, bị nứt, bể, không đủ ký được chuyển lại xuống dưới ghe, sau đó được đưa về kho, rồi các thương lái tìm cách bán lại cho các cơ sở sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, cuộc nói chuyện của chúng tôi với Sơn không kéo dài được lâu vì thương nhân Trung Quốc tên Xuân từ đâu đến nói bằng giọng lơ lớ yêu cầu chúng tôi xuống tàu, có lẽ vì cuộc mua bán bất thành trên.
Mỗi tàu như vậy chở trên 1 triệu trái dừa sau mỗi chuyến “ăn hàng”. Sức chở của con tàu cũng được tận dụng tối đa. Sau khi đã chất mua đủ dừa trái, thương nhân Trung Quốc tranh thủ trải lên trên cùng một lớp chỉ dừa rồi mới nhổ neo.
Theo thống kê của Chi cục thống kê tỉnh Bến Tre, trong năm 2010 đã có gần 120 triệu trái dừa được xuất sang các thị trường, chủ yếu vẫn là Trung Quốc trên tổng sản lượng 420 triệu trái của tỉnh. Riêng năm nay ngoài thương nhân Trung Quốc thì còn góp mặt thương nhân Thái Lan cũng chuyển sang mua dừa Bến Tre do sản lượng dừa của nước này bị tụt giảm mạnh.
Bà Loan, một thương lái người Việt Nam cho biết, hoạt động mua bán dừa của thương nhân Trung Quốc đã có từ rất lâu, có những người thậm chí có mười mấy năm thâm niên trong mua bán mặt hàng này.
“Liên kết giữa các tàu, giữa những người Trung Quốc với nhau rất chặt chẽ, cùng đẩy giá lên để hút mối lái hoặc cùng ghìm giá xuống. Không có chuyện họ tranh mua mà phá giá nhau”, bà Loan nhìn nhận
Giá cơm dừa tăng gần gấp 3
Ông Nguyễn Minh Tâm, quản lý thương hiệu kẹo dừa Thanh Long của Bến Tre cho chúng tôi biết trong thành phần nguyên liệu để làm kẹo dừa thì cơm dừa chiếm 50%, còn lại là nguyên liệu khác như mạch nha. Riêng giá cơm dừa ở thời điểm này đã tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 21.000 đồng/kg.
Phần do sản lượng dừa Bến Tre trong năm đã giảm khá mạnh, phần do thương nhân Trung Quốc vào mua nhiều, có những đợt họ muốn rút ngắn thời gian “ăn hàng” để giảm chi phí, đã kích giá lên để thu hút thương lái người Việt đến bán dừa. Giá một thùng kẹo dừa thành phẩm hiện đang có giá 1.000.000 đồng, so với giá 1 năm trước đây chỉ khoảng 600.000 đồng.
Mặc dù chủ yếu phục vụ cho khách nước ngoài, thì việc tăng giá cũng đã ảnh hưởng khá mạnh đến sức mua của sản phẩm này, ông Tâm cho biết. Do vậy, lực lượng lao động ăn theo sản phẩm tại các cơ sở sản xuất kẹo của Thanh Long cũng buộc phải cắt giảm số ngày làm việc một tuần từ 6 ngày xuống còn 4 hay 5 ngày một tuần.
“Trong 1 năm qua có những ngày giá cơm dừa tăng một hơi gần chục ngày, ngày nào người báo giá cũng tăng 500 đồng/kg, có hôm 1.000 đồng/kg. Đó là những đợt có nhiều tàu Trung Quốc vào ăn hàng. Tàu vừa ra là giá cơm dừa tụt ngay”, ông nói.
So với dừa Bến Tre, hàm lượng dầu trong dừa từ Indonesia thấp hơn, vị béo và mùi thơm cũng không bằng nhưng giá dừa Indonesia thì lại đang thấp hơn dừa Bến Tre từ 1.000 đến 2.000 đồng nên nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo dừa đang chuyển sang sử dụng sản phẩm này.
Không chỉ cơm dừa, giá những chế phẩm từ dừa như xơ dừa, mụn dừa, gáo...cũng tăng giá, chủ yếu theo hoạt động của thương lái Trung Quốc.
Theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa tỉnh Bến Tre, với hoạt động xuất khẩu của thương nhân Trung Quốc ngày càng rầm rộ, ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất xuất có sử dụng nguyên liệu từ dừa, hàng loạt cơ sở phải giảm công suất 30-40%, cho nhân công nghỉ việc.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính từ ngày 20/5 năm nay đã áp mức thuế 3% lên dừa trái xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thống kê riêng mặt hàng dừa khô lột vỏ, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2011 đạt 30,7 triệu đô la Mỹ, tăng 154% so với cùng kỳ 2010. Nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh.
Núp bóng
Trả lời câu hỏi TBKTSG Online về hoạt động của thương nhân Trung Quốc mua dừa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, một cán bộ của Sở Công Thương Bến Tre cho biết thương nhân Trung Quốc do đã hoạt động từ rất lâu nên am hiểu pháp luật Việt Nam không cho phép việc thương nhân nước ngoài không có hiện diện pháp luật tại Việt Nam đứng ra tổ chức thu mua, xuất khẩu nông sản.
Do vậy, họ đã liên kết với các công ty thương mại, xuất nhập khẩu, có cả những công ty quốc doanh, để hợp thức hoá về mặt pháp lý các hoạt động này, hay đứng ra thuê tàu chở dừa. Những công ty này chỉ đóng vai trò làm đại lý, hưởng chiết khấu khi giao dịch. Mặc dù việc điều hành, quyết định mua bao nhiêu trái, mua ở giá nào… đằng sau đó đều do thương nhân Trung Quốc núp bóng đạo diễn toàn bộ.
“Mỗi khi cơ quan chức năng đến gõ cửa họ (ý nói thương nhân Trung Quốc) đều để đại lý của họ là các công ty trong nước đứng ra làm việc”, cán bộ này cho biết.
Việc đưa hoạt động mua bán với hàng trăm triệu trái dừa một năm lên bờ, thay vì dưới sông, cụ thể là quy hoạch đặt tại cảng Gia Long, để tiện cho việc quản lý, kiểm soát, tránh thất thu thuế cũng được Hiệp hội dừa Bến Tre đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh và đại diện của Cục Hàng hải. Tuy nhiên, do đặc trưng của tỉnh không có các cảng biển quốc tế phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu nên Cảng vụ Mỹ Tho, phụ trách hàng hải 3 tỉnh, trong đó có tỉnh Bến Tre đã không đồng ý với yêu cầu kể trên. Do vậy, mọi hoạt động mua bán trên sông vẫn được duy trì cho đến thời điểm hiện nay.
Và vì vậy chợ dừa trên sông Hàm Luông vẫn cứ tồn tại và dần dà đang trở thành chợ dừa nổi của thương nhân Trung Quốc.