Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xứ dừa phải nhập khẩu dừa
27 | 09 | 2011
Đó là tình trạng đang xảy ra ở Bến Tre. Dừa khô ở đây đang ồ ạt chảy sang Trung Quốc (TQ) trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến phải sang Indonesia để tìm mua dừa về sản xuất.

Thua trên sân nhà

 

Theo số liệu của Hiệp hội Dừa Bến Tre, toàn tỉnh có 51.600 ha dừa với sản lượng hơn 410 triệu trái/năm. Có khoảng 70 DN và 1.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, sử dụng gần 50.000 lao động. Nhiều sản phẩm chế biến và phụ phẩm từ dừa đã không ngừng tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu như cơm dừa nạo sấy, thạch dừa, sữa dừa, kẹo dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa... Trong 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre đạt 163 triệu USD thì riêng các sản phẩm từ dừa chiếm 80 triệu USD, chưa kể xuất khẩu tiểu ngạch không có số liệu chính xác.

Thế nhưng giờ thì ngành chế biến dừa đang có nguy cơ đình đốn do thiếu nguyên liệu trước sự cạnh tranh thu mua ồ ạt của thương lái TQ. Mấy năm gần đây, trong khi sản lượng dừa giảm mạnh thì tàu của thương nhân TQ tấp nập vào tận sông Hàm Luông, có lúc neo đậu hàng chục chiếc để tranh mua dừa với DN địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng 110 triệu trái dừa thô của Bến Tre được bán tiểu ngạch cho thương lái TQ, chiếm hơn 1/4 sản lượng dừa của tỉnh. Hiện nhiều DN tại địa phương thiếu nguyên liệu trầm trọng, buộc phải giảm công suất, giảm lao động, thậm chí phải đóng cửa nhà máy...

Các tàu TQ vào tận nơi ăn hàng thông qua các hợp đồng xuất khẩu ký với DN trong nước nhưng thương nhân TQ thì trực tiếp đứng ra thu mua và hiện đã hoàn toàn chi phối về giá.

Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Qưới, cho biết thị trường dừa trái đang phụ thuộc vào thương nhân TQ. Buổi sáng ít dừa họ tăng giá mua, chiều thấy nhiều người bán thì lập tức hạ giá. Do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên một số DN chế biến phải tìm sang Indonesia mua dừa về chế biến. Nhà máy của ông Thành khi hoạt động hết công suất mỗi ngày cần khoảng 300.000 trái dừa nguyên liệu nhưng hiện chỉ có thể hoạt động cao nhất là 70% vào đúng vụ thu hoạch dừa, bình thường chỉ hoạt động cầm chừng từ 20-30% công suất vì thiếu nguyên liệu.

Địa phương thiệt hại

Theo ông Hồ Vĩnh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre: Hiện Bến Tre đang thiếu nguyên liệu dừa cho các nhà máy chế biến nhưng đồng thời dừa lại bán ồ ạt sang TQ theo đường tiểu ngạch. Chủ trương của tỉnh là phát triển công nghiệp địa phương, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời giải quyết lao động thiếu việc làm. Nhưng thực trạng hiện nay khiến việc thực hiện chủ trương đó rất khó. Có thể thấy rõ là nếu bán một trái dừa nguyên liệu qua đường tiểu ngạch thời điểm hiện nay chỉ được khoảng 11.000 đồng, trong khi nếu chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, giá trị có thể đạt hơn 100.000 đồng. Ông Sang dẫn chứng: Cứ 100 trái dừa thì lấy được 30 lít nước để làm thạch dừa, giá bán là 300.000 đồng. Than gáo dừa nếu xuất thô được 300 USD/tấn, nhưng nếu chế biến thành than hoạt tính thì có giá từ 1.800 - 2.200 USD/tấn. Cơm dừa chế biến thành cơm dừa nạo sấy bán được gần 3.000 USD/tấn… Bên cạnh đó là tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Chưa kể việc thương nhân TQ mua dừa trả bằng tiền đồng khiến địa phương không thu được ngoại tệ.

Theo Hoàng Phương - Khoa Chiến
Thanh niên


Báo cáo phân tích thị trường