Trung Đông và Bắc Phi là thị trường lớn và giàu có. Do đất đai ít màu mỡ và đa phần là sa mạc nên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Vì vậy, hàng năm thị trường này phải nhập khẩu rất nhiều lúa gạo và nông sản từ các nước khác. Chỉ tính riêng Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã nhập khẩu lượng nông sản trị giá khoảng 14 tỷ USD/năm. Nói riêng về mặt hàng gạo, năm 2010 thị trường này đã nhập khẩu với giá trị hơn 2 tỷ USD, trong đó khoảng 93% dùng để tái xuất.
UAE được xem là một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam vào khu vực này còn quá ít, mới đạt 1,8 triệu USD, chưa tới một phần nghìn lượng nhập khẩu vào thị trường này.
Ông Faisal Ali Mousa, Chủ tịch RICE Dubai cho biết nhờ vị trí địa lý đặc biệt, cơ sở hạ tầng dịch vụ phát triển tốt và luật lệ thương mại thông thoáng nên Dubai đã vươn lên vị trí quốc gia tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dubai không chỉ tái xuất vào thị trường Trung Đông – châu Phi mà còn xa hơn nữa, chẳng hạn đến các nước Nam Á. Hiện Dubai chủ yếu nhập gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan... sau đó xuất đi các nước Trung Đông, Bắc Phi. Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm tốt khâu quảng bá tiếp thị. Một thực tế khác là các doanh nghiệp ở các nước đã tham gia xuất khẩu vào UAE đều lập văn phòng đại diện ở Dubai để duy trì sự quan tâm đến thị trường nhập khẩu. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có thể theo cách này để mở rộng thị phần nơi đây.
Trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Mousa giới thiệu về Hội nghị và Triển lãm lúa gạo quốc tế tại Dubai (RICE Dubai 2011). Đây được xem là cơ hội quảng bá gạo Việt Nam để có thể chiếm lĩnh thị trường mới.
Sự kiện này thu hút hơn 60 quốc gia tham gia và dự kiến có khoảng 10.000 khách tham quan thương mại. Khi tham gia hội chợ này, ông Mousa cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị kỹ các tài liệu, phương tiện quảng bá, hàng mẫu cũng như cách giới thiệu mẫu mã.
Tổng hợp