Ðến cuối tháng 11-2006, tổng dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh cho hộ nghèo vay đạt hơn 237 tỷ đồng. Trong đó, dự án cho hộ Khmer nghèo nuôi bò sinh sản hơn 41 tỷ đồng, những hộ được vay trong dự án này được ngân sách tỉnh trả lãi trong ba năm. Tính riêng ở huyện Cầu Ngang, trong tổng dư nợ hơn 35 tỷ đồng có hơn 10 tỷ đồng cho hộ Khmer nghèo nuôi bò sinh sản. Dự án được triển khai cấp vốn từ tháng 7-2004 kéo dài đến hết năm 2006. Với định mức cho mỗi hộ là 10 triệu đồng để mua hai con bò cái sinh sản. Ðược biết, trong 25 tỷ đồng còn lại chủ yếu là để chăn nuôi, trong đó có hơn một nửa để nuôi bò (những hộ vay nuôi bò ngoài dự án thì tự trả lãi). Ðồng chí Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Ngang, khẳng định: Dự án cho hộ Khmer nghèo nuôi bò sinh sản ở huyện là có hiệu quả. Khi triển khai dự án, huyện giao cho hội nông dân xã làm chủ dự án, đưa xuống ấp bình xét chọn hộ nghèo, nhưng phải đủ điều kiện chăn nuôi mới cho vay và thành lập tổ để tập huấn. Huyện Cầu Ngang đã thành lập được 86 tổ, với 1.104 hộ, nuôi 2.018 con bò. Ðến cuối năm 2006, số bò này đã sinh được 3.357 con bê. Tính bình quân 2 triệu đồng con bê, 1.104 hộ trong dự án thu được hơn 6,7 tỷ đồng. Theo ông Thạch Viên, ở ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, người có gần 30 năm làm nghề buôn bò, giá thịt bò không giảm, một con bò đánh ra 100 kg thịt lột vẫn bán được khoảng 5 triệu đồng. Giá bò rớt nhiều là bò cái sinh sản. Vì khi dự án đầu tư, ai cũng tìm mua bò cái để nuôi, nên đẩy giá bò cái sinh sản lên rất cao. Ðặc biệt là bò cái lai sind, có lúc lên gần 20 triệu đồng/con; bây giờ đem bán tính theo giá bò thịt cũng chỉ được khoảng 7 - 8 triệu đồng, xem như lỗ hơn một nửa.
Khi hỏi về dự án đầu tư cho hộ Khmer nghèo chăn nuôi bò sinh sản ở huyện Châu Thành ra sao? Ông Nguyễn Văn Trạng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, hai nơi làm ăn khá là xã Mỹ Chánh và Hòa Minh. Anh Huỳnh Văn Nhân nói, dự án nuôi bò ở ấp Thanh Nguyên A có hiệu quả là nhờ được đầu tư từ năm 2003, lúc đó giá bò còn rẻ. Dự án gồm 20 hộ, đầu tư cho mỗi hộ 3 triệu đồng để mua 1 con bò, giờ tổng đàn lên khoảng 80 con. Tôi đến trang trại chăn nuôi bò của ông Sơn Rện, ở ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Trại bò của ông Rện được thành lập cách đây hơn ba năm. Ông Sơn Rện là nông dân Khmer biết tính toán làm ăn, nên gia đình ông không thuộc diện hộ nghèo, nghĩa là nằm ngoài dự án hộ Khmer nghèo nuôi bò sinh sản. Ông thành lập trang trại nuôi bò cái sinh sản để được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Với 10 con bò cái sinh sản, trang trại của ông Sơn Rện được vay vốn ưu đãi 18 triệu đồng, được cho 1/2 con bò đực giống sind trị giá 6 triệu đồng/con là 3 triệu. Nhưng lúc đó bò tăng giá, ông phải bù thêm 1,5 triệu đồng để mua bò đực giống 7,5 triệu đồng. Ông vay thêm của ngân hàng 80 triệu đồng và khoảng 20 triệu đồng vốn tự có để đầu tư vào trang trại. Tôi hỏi: "Từ khi thành lập trang trại nuôi bò đến nay, ông có tính được lời, lỗ bao nhiêu không?". Ông nói: "Rất may là tôi đã bán bò gần hết rồi, bán lúc bò còn có giá, trả được vốn vay, lỗ thì không, mà lời thì cũng không nhiều". Hiện nay, trang trại của ông chỉ để lại 12 con bò, trong đó có 6 con bê nuôi cho có việc làm. Ông kể cho chúng tôi nghe về những chuyện buồn, vui ở trang trại nuôi bò của mình. Ông nói: "Lúc phong trào nuôi bò đang lên mê lắm". Khi ông mua ba con bò cái lai sind gồm một bò mẹ và hai bê con với giá 14,6 triệu đồng, chỉ hơn một tháng sau có người đã hỏi mua lại con bê với giá 13 triệu đồng; mà ông không bán. Lúc đó, bò đẻ ra bê cái như trúng được vàng, để nuôi thêm một tháng tính ra lời thêm cả triệu đồng; còn bây giờ con bê đó bán hai triệu đồng cũng không ai mua, nuôi con bê hai năm trời bán giỏi lắm cũng chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng. Ông Thạch Mẹt ở cùng ấp Trà Nóc, tuy không thành lập trang trại nuôi bò, nhưng ông là một trong những người có đàn bò khá đông. Qua cuộc biến động giá này, nhà ông vẫn còn đến 8 con bò và 5 con bê. Có được đàn bò đông là do ông dày công tích lũy nhiều năm. Hiện nay, ông còn số lượng bò khá nhiều do không bán được. Ông nói: "Cũng con bò đó trước đây mua đến 7 triệu đồng, bây giờ bán không đến ba triệu đồng; bò cái sinh sản mà bán với giá bò thịt làm sao bán được".
Anh Hà Văn Nhung, chủ dự án nuôi bò ấp Lò Ngò, xã Song Lộc, nói rằng: "Nói chung, vụ nuôi bò này thấy oải. Lúc mua bò có giá, bây giờ mất giá, dân hết tinh thần, hết muốn chăm sóc cho bò". Nuôi bò phải đầu tư vốn khá lớn. Người nghèo thì hầu như chưa từng biết nuôi bò. Bò tuy chỉ ăn cỏ, nhưng không phải là con vật dễ nuôi, cũng cần có kinh nghiệm và hiểu biết. Nếu lỡ gặp rủi ro trong chăn nuôi, thì người nghèo mang thêm số nợ lớn khó mà trả hết.