Nghiên cứu được thực hiện ở khu vực nông thôn của 3 tỉnh là Phú Thọ, Đắc Lắc và Cần Thơ – đại diện cho các vùng, miền trong cả nước. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin về các đặc điểm kinh doanh và thông tin liên quan đến yếu tố môi trường kinh doanh của 900 hộ. Sau đó, sử dụng phương pháp ước lượng nhỏ kết hợp với Điều tra hộ kinh doanh 2011 và mẫu 15% của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 nhằm ước lượng FI cho các tỉnh và huyện trong cả nước.
Kết quả cho thấy, ước lượng điểm FI dao động từ 57,3-69,5. Trong đó tỉnh Thái Bình (69,5), Hà Nam (68,5) và Cà Mau (67,7) là 3 tỉnh có ước lượng điểm của FI cao nhất nước trong khi thấp nhất là Lai Châu, Bình Dương và Đắc Nông, đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có FI trong nhóm thấp nhất. Nguyên nhân là do tại 2 thành phố này, các cơ quan chức năng dành nhiều sự quan tâm cho doanh nghiệp hơn bên cạnh đó là do có sự cạnh tranh lớn từ khối doanh nghiệp cũng như giữa các hộ kinh doanh với nhau.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ rõ hiện trình độ học vấn của các chủ hộ kinh doanh còn thấp, quy mô kinh doanh còn nhỏ, sử dụng ít lao động và chủ yếu là lao động gia đình. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, tỷ lệ vốn vay chiếm rất nhỏ. Mặt bằng kinh doanh còn hạn chế, chủ yếu sử dụng đất đai sẵn có của hộ vào kinh doanh.
Được đánh giá là mô hình quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương , giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lượng không nhỏ lao động nhưng các hộ kinh doanh cá thể này vẫn chưa được đăng ký kinh doanh, đặc biệt là những thay đổi về chính sách. Theo ông Trần Đại Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, mục đích của nghiên cứu nhằm xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh (FI) cấp huyện và tỉnh ở khu vực nông thôn trở thành công cụ để các cấp chính quyền địa phương đưa ra các chính sách kinh doanh cho phù hợp. Vì thế, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ hoạt động của hộ kinh doanh như hỗ trợ trong việc tiếp cận với mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các chính sách và chương trình hỗ trợ nâng cao hiểu biết về quy định pháp luật, nâng cao trình độ nghề nghiệp của các chủ cơ sở cũng rất cần thiết cho khu vực nông thôn. Trên thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh của hộ kinh doanh thay đổi theo từng địa phươnog. Do vậy, các chính sách về môi trường kinh doanh cũng cần có sự linh hoạt phù hợp với địa phương mình.
Tổng hợp