Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục năm 2012 nhưng nhiều thách thức trong năm 2013
03 | 01 | 2013
XK cà phê trong năm 2012 đạt kỷ lục. Tuy nhiên, với dự báo sản lượng cà phê năm tới sẽ giảm 30%, việc giữ ngôi vị XK của ngành cà phê sẽ trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, XK cà phê trong năm 2012 ước đạt 1,76 triệu tấn với trị giá 3,74 tỷ USD, tăng 40% về lượng và 36% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá cà phê XK bình quân đạt 2.137 USD/tấn. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 12% thị phần) và Đức (chiếm gần 12% thị phần) vẫn tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý, thị trường Indonesia có mức tăng trưởng đột biến, gấp 5,6 lần về lượng và giá trị so với năm trước.


Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, vào thời điểm đầu năm, điều kiện thời tiết không thuận lợi, cà phê bung hoa sớm ảnh hưởng đến việc đậu quả. Tuy nhiên, đến tháng 8, có vài đợt mưa tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển. Với yếu tố thuận lợi này, XK cà phê Việt Nam đã đạt mức kỷ lục. Bên cạnh đó, cơ chế thương mại và tạm trữ cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành cà phê đạt cao.
Theo ông Vinh, tình hình thị trường năm 2012 không còn như trước và DN trong nước tạo được áp lực khá mạnh. Sự yếu thế của các DN FDI một phần là do sai lầm trong chính sách thu mua. Khối DN này nhận định rằng, nông dân sẽ bán ra ồ ạt như những năm trước, khi đó, họ mua vào rồi lại chờ bán lại hưởng lợi nhuận mà không cần XK như trước đây. Thế nhưng, người dân đã dự trữ cà phê tại nhà thay vì ký gửi ở kho tư nhân và giảm lượng bán ra. Việc tăng cường thông tin thị trường tốt đã giúp người dân nắm rõ diễn biến giá cả, từ đó chủ động bán ra để có lợi nhuận cao nhất. Do làm thương mại tốt hơn nên giá cà phê XK đã được nâng lên. Năm 2012, giá cà phê XK của Việt Nam chỉ còn trừ lùi 30 USD mỗi tấn so với giá trên sàn giao dịch London và New York. Trước đây, cà phê XK của Việt Nam thường bán theo giá trừ lùi hơn 100 USD một tấn. Ngoài ra, chất lượng cà phê được cải thiện nhiều nhờ tăng tỷ lệ hái chín, chuyển sang chế biến ướt và lượng cà phê chứng chỉ gia tăng cũng đã góp phần nâng giá XK.


Dự báo, sản lượng cà phê năm tới sẽ giảm 30% do biến động thất thường của thời tiết. Cùng với đó, hoạt động sản xuất và XK cà phê luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn cả về chất lượng, sản lượng và giá cả. Một thực tế là 80% diện tích cà phê ở Việt Nam nằm ở các nông hộ, nên rất khó để hình thành một nền sản xuất tập trung, bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia XK cà phê Robusta hàng đầu thế giới nhưng giá trị XK lại không đi cùng với thứ hạng này. Nếu vẫn duy trì những nhược điểm cố hữu đó thì việc giữ ngôi vị cho cà phê Việt Nam sẽ rất khó khăn.


Để cà phê phát triển bền vững, ông Vinh cho rằng, giải pháp cốt yếu là phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của cà phê. Hai mục tiêu hàng đầu của ngành cà phê là xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng quỹ bảo hiểm sản xuất, trồng mới cây cà phê. Hiện diện tích cà phê già đã chiếm tới 25% tổng diện tích, đến năm 2020, diện tích cà phê già của Việt Nam sẽ lên tới 50%. Nếu chỉ tập trung vào thu hái mà không đầu tư trồng lớp cà phê mới, chất lượng cao để thay thế lớp cà phê già thì sẽ đến lúc ngành cà phê Việt Nam tàn lụi. Kinh nghiệm từ niên vụ trước, ông Vinh đề xuất thêm, Nhà nước cho phép các DN Việt Nam kinh doanh cà phê được vay ngoại tệ, tạm trữ hàng khi giá xuống thấp để tạo cung - cầu và đẩy giá lên.


Nắm trong tay lợi thế là nước XK cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tác động lớn tới thị trường cà phê thế giới. Các chuyên gia nhận định, trong năm 2013, các DN Việt Nam cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, liên kết chặt chẽ với nhau để giữ được giá cà phê, đồng thời giữ ngôi vị mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2012
 



Báo cáo phân tích thị trường