Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chiến lược xuất khẩu cao su bền vững năm 2013
15 | 01 | 2013
Theo Hiệp hội Cao su VN (VRA), có thể ước lượng sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn trong năm 2013. Với việc dự báo thị trường tiêu thụ cũng gặp khó do giá cao su khó tăng cao trở lại, cung tăng, cầu tiếp tục giảm nên cần nhiều biện pháp đảm bảo công tác xuất khẩu (XK) cao su ổn định, bền vững

Nhờ nguồn cao su thiên nhiên tạm nhập tái xuất, đặc biệt sự gia tăng lượng cao su từ Lào do doanh nghiệp VN đầu tư gần đây đã bắt đầu được khai thác, lượng cao su thiên nhiên XK từ Việt Nam có thể đạt 1 triệu tấn trong năm 2013.VRA nhận định, với tình hình giá cao su thiên nhiên trên thế giới có xu hướng giảm, tuy khó thấp dưới giá thành nhờ giải pháp liên kết cắt giảm sản lượng XK của 3 nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia, nhưng khó đạt mức cao hơn năm 2011 và có thể giảm hơn so với năm 2012.


VRA dự báo giá bình quân của cao su XK năm 2013 là khoảng 2.700 USD/tấn và kim ngạch XK cao su của VN đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Bên cạnh khó khăn vì giá có xu hướng giảm, thị trường tiêu thụ lại tăng chậm do nền kinh tế thế giới chưa hồi phục đầy đủ và nguồn cung từ các nước lại có xu hướng tăng, sự cạnh tranh giữa các nước XK cao su sẽ gay gắt hơn.


Dự báo trước những khó khăn sẽ tiếp diễn trong năm 2013, ngành cao su VN cần chuẩn bị định hướng cho chiến lược XK cao su bền vững, phải đảm bảo hiệu quả và giá trị của XK cao su thiên nhiên. Do sản lượng tăng, cầu không tăng nên công tác xúc tiến thương mại phải được đặt ra và chú trọng. Tại buổi làm việc với VRA vào ngày 22/11/2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Do ngành cao su phụ thuộc vào các thị trường lớn, nên để phát triển tốt và đảm bảo mục tiêu XK cần phải giữ vững thị trường. Muốn vậy phải phát huy vai trò của Hiệp hội kết hợp với công cụ quản lý của Nhà nước, sự kết hợp của các bộ ngành”. Ngoài ra là việc mở các thị trường mới, Thứ trưởng đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phải phối hợp chặt chẽ với VRA, xây dựng lại chương trình XTTM theo hướng có trọng tâm hơn, chủ lực hơn. Đặc biệt là nghiên cứu lại hoạt động XTTM tại thị trường Trung Quốc để đẩy mạnh XK cao su theo đường chính ngạch tại đây.


Nâng cao chất lượng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm


Tại buổi làm việc, đại diện VRG cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc lập các văn phòng đại diện của VRG tại các thị trường mới. Đối với VRG, định hướng việc tiêu thụ mủ cao su trong năm 2013 cũng như các năm tới cũng cần có chiến lược dài hạn, đặc biệt là trong công tác điều hành. Ban Xuất nhập khẩu (XNK) VRG đề nghị trong tình hình giá cao su ở mức thấp và các đơn vị trực thuộc tại Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung chưa chuẩn bị tốt cho chiến lược XK vào thị trường mới và lệ thuộc mạnh vào thị trường mậu biên, có thể trước mắt chấp nhận quản lý ban hành giá sàn linh hoạt theo biến động thị trường giá cao su nói chung, trong đó đặc biệt lưu ý đến giá mủ nước của cao su tiểu điền.


Thực tế trong thời điểm giá cao su giảm mạnh từ giữa năm 2012, giá cao su tiểu điền đã giảm mạnh và nhanh hơn do phụ thuộc vào thị trường mậu biên đã ảnh hưởng lớn đến giá cao su của VRG, cao su VRG trở nên khó tiêu thụ hơn. Do vậy ban XNK đề nghị thông qua VRA, từng bước phối hợp với tiểu điền giữ mức giá đối với mủ nước tiểu điền. Ví dụ như trường hợp giá mủ nước giảm quá giới hạn, các công ty thành viên có thể có kế hoạch tăng cường thu mua mủ nước để tránh gây hỗn loạn thị trường, mất kiểm soát thị trường giá.


Ngoài ra cũng cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các công ty thành viên về giá cả, tình hình tiêu thụ, tình hình thị trường để có thể lên phương án kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Về lâu dài, các đơn vị VRG cần tiếp tục nâng cao chất lượng và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nhằm phù hợp hơn với nhu cầu XK cho nhiều thị trường và nâng cao hiệu quả về giá. Ngoài ra cần xây dựng thị trường ổn định, bền vững cũng như xây dựng giải pháp tốt nhất trong hoạt động XK. Nghiên cứu hướng tới thành lập sàn giao dịch cao su vào năm 2015 nhằm đạt được giá minh bạch, công bằng cho cả người mua lẫn người bán. Kế hoạch phấn đấu đến năm 2014, tỷ lệ xuất khẩu hợp đồng dài hạn các công ty miền Đông cần đạt trên 70%, TN và DHMT trên 40%.


 Ngọc Khanh
 Theo Tạp chí CSVN



Báo cáo phân tích thị trường