Nội dung cơ bản xoay quanh đề xuất của Vinacas là kiến nghị ngành ngân hàng khoanh nợ đối với các khoản vay tới hạn của những doanh nghiệp xuất khẩu điều bị thua lỗ chưa có khả năng trả nợ vay đúng hạn cho ngân hàng.
Thông tin từ Vinacas cho biết, năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với ngành điều Việt Nam khi mà diện tích trồng, sản lượng thu hoạch và giá bán điều trong nước đều sụt giảm so với niên vụ trước đó; và để đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu theo kế hoạch đã đặt ra, ngoài việc thu mua toàn bộ 264.810 tấn điều thô được sản xuất trong nước, các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu thêm 300.000 tấn điều thô từ một số quốc gia Đông Nam Á và Tây Phi. Mặc dù xuất khẩu điều nhân năm 2012 của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở vị trí hàng đầu thế giới với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 223.000 tấn và 1,48 tỷ đô la Mỹ, tuy nhiên do giá điều xuất khẩu thời gian qua giảm mạnh dưới tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu nên trong khi sản lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 tăng đến 25,6% so với niên vụ trước đó thì mức tăng tương ứng về kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 19%.
Bước sang năm 2013, ngành điều Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu 180.000 tấn điều nhân các loại ra thị trường thế giới. Mặc dù sản lượng xuất khẩu nói trên thấp hơn so với năm 2012, tuy nhiên, theo dự báo của Vinacas, do thị trường điều thế giới hiện đang có dấu hiệu khôi phục trở lại và giá điều có xu hướng tăng nên kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Việt Nam năm 2013 dự kiến vẫn đạt khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ, cao hơn so với năm 2012.
Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ thu mua và chế biến điều xuất khẩu, ngành điều ước tính số vốn cần vay từ các ngân hàng trong năm 2013 là khoảng 7.500 tỷ đồng và 300 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về tài chính và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều thực hiện được kế hoạch sản xuất đề ra, ngoài việc cung ứng tín dụng đầy đủ, kịp thời với hạn mức như trên, Vinacas cũng đề nghị ngành ngân hàng xem xét cho vay đối với cả các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang bị thua lỗ nhưng có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời áp dụng một số cơ chế ưu đãi khác về tín dụng đối với ngành điều như hạ lãi suất cho vay xuống còn 4%/năm; chấp nhận chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu thanh toán bằng các phương thức L/C, D/P, D/A, CAD với tỷ lệ chiết khấu lên đến 100% giá trị bộ chứng từ; nhận thế chấp bằng hàng hoá của doanh nghiệp để cho vay với số vốn tương đương 80% giá trị thực mua./.
Nguyễn Cảnh Hiệp - Ban TDXK-Ngân hàng Phát triển Việt Nam