Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Da giày Việt Nam trước cơn bĩ cực
13 | 07 | 2007
Liên minh châu Âu (EU) quyết định nâng mức thuế nhập khẩu đối với giày Việt Nam và Trung Quốc. EU sẽ áp thuế 10% với giày Việt Nam và 16,5% với giày Trung Quốc. Mức thuế này được áp dụng trong 2 năm tới.

 Phóng viên của Đài BBC đã có một số trao đổi với các công ty giày da nước ngoài ở Việt Nam:

Tại nhà máy Stella Shoe của Đài Loan ở ngoại vi thành phố Hải Phòng, có 7000 công nhân, sản xuất giày cho hai nhãn hiệu Clarks của Anh và Timberland của Mỹ. Môi trường làm việc ở nhà máy này tốt, công nhân được hưởng phúc lợi  xã hội và có phòng khám y tế. Lương trung bình của các công nhân ở đây là 60-80 đôla mỗi tháng. Mức lương này là quá thấp so với mức lương của công nhân giày da tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng ở Việt Nam, thì mức này cao gấp đôi lương tối thiểu ở khu vực nhà nước.

Trả lời cho câu hỏi “cô nghĩ gì về công việc của mình”, Cô Vũ Thị Thắm, công nhân ở dây chuyền sản xuất giày trẻ em trả lời  "Bình thường. Tôi làm việc ở đây vì thu nhập ổn định. Trước kia tôi làm nghề nông, và thu nhập phụ thuộc vào thời tiết. Ngay cả lúc may mắn, tôi chỉ kiếm được 30 đôla một tháng, nhưng ở đây tôi có thể kiếm được 60 đôla hoặc hơn nếu tôi làm tăng ca."

Lộn xộn tài chính

Chính phủ đã chọn năm nhà máy để EU thực hiện kiểm toán và kết quả là các nhà máy không giải trình rõ ràng thu nhập, chi phí và họ không thể chứng minh được là họ không nhận trợ giá của Chính phủ, trực tiếp hay gián tiếp nhờ giá đất rẻ, hay vay ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, ngành giầy da Việt Nam bị kết luận bán phá giá.  Hàng trăm nhà máy giày Việt Nam và Trung Quốc chịu ảnh hưởng của mức thuế chống phá giá của EU. Thuế này nhằm bảo vệ công ăn việc làm ở EU trước các công ty nhận được trợ cấp bất công từ chính phủ.

Một số nhà máy thì đứng trước nguy cơ bị mất hợp đồng, các nhà máy khác thì đang khó khăn vì họ phụ thuộc vào những nhà trung gian, những người này dàn xếp các hợp đồng ngắn hạn dựa vào yếu tố duy nhất là nơi nào rẻ nhất thì họ chọn.

Tại một nhà máy khác của Đài Loan ở Hải Phòng, đầu tháng 8/2005, nhà máy này có khoảng 1200 nhân công cho đến nay còn chưa đầy 100. Hàng trăm chiếc máy khâu không có chủ. Trong khi chủ nhà máy phải bỏ ra 800 đôla đầu tư cho mỗi chiếc máy đang bị bỏ không này.

Giám đốc nhà máy cho biết, trước mức thuế của EU sắp áp dụng đối với giày da Việt Nam, họ lập tức hủy hợp đồng và chuyển sang các thị trường không bị áp thuế chống bán phá giá. Ông Graeme Fiddler, giám đốc Clarks cho biết "Chúng tôi sẽ vẫn giữ hoạt động sản xuất ở Việt Nam và đánh giá các thị trường xung quanh như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ, vì Ấn Độ là nền kinh tế mới nổi và đã có ngành công nghiệp da giày."

Martin Salisbury, một giám đốc của Clarks, nói ông thông cảm cho các nhà sản xuất Italy; công ty ông cũng mua ba triệu đôi giày của Italy mỗi năm. Nhưng ông cảnh báo:"Một số nhà sản xuất ở Italy, ngay cả sau nhiều thập niên được bảo vệ quota và hỗ trợ của EU, vẫn không hiện đại hóa và không thể cung cấp chất lượng, số lượng, lựa chọn và giá trị mà người tiêu dùng hiện đại đòi hỏi. Sẽ sai lầm khi tin rằng mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề cho họ khi mà họ còn phải cạnh tranh với phần còn lại của thế giới. Thật trớ trêu cho EU vì một trong những tác động của biểu thuế sẽ là buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải tìm cách cạnh tranh hơn nữa về chi phí. Như vậy khi đến lúc biểu thuế được dỡ bỏ - sự cạnh tranh từ Việt Nam sẽ còn dữ dội hơn là hiện nay.

 Trong khi đó, theo một báo cáo mới nhất của Hiệp hội Da giày Việt Nam về những tác động tiêu cực của vụ kiện đến các DN Việt Nam cho biết, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như mất đơn hàng, giảm lương người lao động, nhiều DN đang có nguy cơ phá sản. Nhiều đối tác nước ngoài đã rút đơn hàng và dịch chuyển sản xuất sang các nước khác như Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ... Số đơn hàng đã giảm 30 - 50% so với năm 2004.

Đến nay đã có khoảng 30% DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, có DN cắt giảm tới 1.000 lao động như Công ty giày da Hải Phòng... Ước tính sẽ có khoảng 100 ngàn người lao động mất việc do ảnh hưởng tiêu cực từ vụ kiện.

Hiệp hội Da giày Việt Nam bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam và Uỷ ban châu Âu sẽ đàm phán để đi đến một giải pháp thích hợp, hạn chế tối đa thiệt hại cho ngành da giày. Duy trì mức xuất khẩu thông thường không chịu thuế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 500 ngàn lao động.



(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/)
Báo cáo phân tích thị trường