Năm 2006, 9 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/mặt hàng
Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa của cả nước đạt 39,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2005. Trong đó, có 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: thủy sản, cà phê, cao su, hạt tiêu, than đá, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm nhựa, dây và cáp điện. Đáng chú ý là năm qua, Việt Nam có 9 mặt hàng đạt KNXK trên 1 tỷ USD/mặt hàng như: cao su, cà phê, dầu thô, dệt may.
Năm 2006 cũng đánh dấu sự chuyển biến về cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Châu Á chiếm 53,6%; riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 86,8% trong tổng KNXK sang Châu Mỹ.
Về thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng cao, đạt 580,7 tỷ đồng tăng 20,9% so với 2005. Đồng thời, mặc dù giá cả thị trường thế giới và trong nước tăng mạnh, nhưng các mặt hàng thiết yếu vẫn được đảm bảo nguồn cung, giá cả vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 6,6%.
Năm 2007, ngành Thương mại phấn đấu tăng trưởng trên 20%
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, 3 mục tiêu chính của ngành Thương mại trong năm 2007 và những năm tới gồm: Tăng kim ngạch xuất khẩu, bình ổn thị trường trong nước và tham gia hội nhập thành công. Bộ trưởng khẳng định: Bộ Thương mại phấn đấu khai thác hiệu quả những cơ hội do hội nhập WTO mang lại, đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2007 trên 47,54 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2006”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành Thương mại đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng mong muốn cán bộ công nhân viên của Bộ thương mại, các doanh nghiệp, Chủ tịch các Hiệp hội Ngành hàng tiếp tục đoàn kết, phối hợp công việc hiệu quả hơn. Thủ tướng lưu ý, ngành Thương mại cần thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trong năm 2007 và những năm tới gồm:
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại. Thực hiện tốt việc gắn kết giữa Bộ, Hiệp hội và các doanh nghiệp, các cơ quan thường trú ở nước ngoài để cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
Triển khai Hội nhập thương mại toàn cầu theo lộ trình mà Chính phủ đã đề ra, trong đó Bộ trương mại giữ vai trò điều phối các hoạt động thương mại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới, đưa đối tác nước ngoài đến hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Phát triển mạnh hệ thống tiêu thụ hàng hóa trong nước; bình ổn giá cả thị trường; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ giá.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao "Cúp Doanh nghiệp đạt giải xuất khẩu uy tín 3 năm liên tiếp" cho 142 doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động kinh doanh.