Indonesia đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường toàn cầu yếu khi chuyển đổi từ chào bán chè thô, giá thấp sang các sản phẩm chè chế biếnvà được chứng nhận, có giá cao. Năm 2008, gần 100% chè sản xuất tại Indonesia được xuất khẩu, nhưng hiện chỉ 61% trong tổng sản lượng 130.000 tấn chè sản xuất tại nước này được xuất khẩu.
Nhu cầu nội địa đang tăng nhanh trong thời điểm ngày càng ít vườn chè còn hoạt động sản xuất, khiến Indonesia đang chuyển dần thành một nước nhập khẩu chè. Tổng diện tích đất trồng chè giảm từ 150.000ha xuống còn 120.000ha gần đây. Nhập khẩu chè của Indonesia chưa đến 500 tấn trong năm 1999 nhưng hiện nước sản xuất chè lớn thứ 7 thế giới này đã phải nhập khẩu đến 25.000 tấn chè hàng năm để đáp ứng nhu cầu nội địa.
“Điều nực cười là khuynh hướng tiêu dùng chè cao cấp lại không được thúc đẩy bởi ngành chế biến chè nội địa”, chủ tịch Hội đồng chè Rachmat Badruddin phát biểu. “Hầu hết chè thô của chúng ta được xuất khẩu chỉ để được chế biến ở nước ngoài rồi lại được nhập khẩu ngược trở lại đây”.
Các nhãn hiệu quốc tế như Dilmah tại Sri Lanka và TWG tại Singapore cùng với các nhà cung cấp Trung Quốc đang là những mặt hàng được tiêu dùng lớn nhất. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chè lớn của Indonesia bao gồm Nga, Úc, Đức, Mỹ, Anh. Pakistan, Đài Loan, và Trung Quốc.
Ông Badruddin cho biết chỉ 39% trong 130.000 tấn chè sản xuất năm 2015 được chế biến tại Indonesia, chủ yếu cho thị trường đại chúng. Những người trồng chè bán được chè chế biến và chè được chứng nhận với giá cao hơn cho thị trường Bắc Mỹ. Giá trị xuất khẩu chè giảm từ 171 triệu USD năm 2009 xuống còn 128 triệu USD năm 2015. Ông Badruddin cho rằng cần hạn chế các loại chè có nguồn cung nội địa dồi dào.
Trong năm 2015, chỉ 6% trong tổng sản lượng 62.700 tấn chè xuất khẩu được chế biến để gia tăng giá trị. Indonesia đang xem xét tăng thuế lên 20% đối với chè nhập khẩu từ các nước ngoại khối ASEAN. Thỏa thuận thương mại tự do ASEAN khuyến khích nhập khẩu bằng cách xóa bỏ mức thuế 5% áp cho mặt hàng chè.
Chè thô và chỉ được sơ chế được bán với giá rẻ cho Twinings, Dilmah, và Unilever bởi công ty thuộc sở hữu nhà nước PTPN VIII, cũng là nhà sản xuất chè lớn nhất Indonesia. Năm 2015, 90% trong tổng sản lượng 45.000 tấn mà công ty này sản xuất được mang đi xuất khẩu và chỉ 10% sản phẩm được bán dưới các nhãn hiệu nội địa như Walini. Chính phủ Indonesia kỳ vọng tăng sản xuất GTGT ngành chè lên 40% đến năm 2025.
Theo Indonesian Tea Board, The Jarkata Post