Bài viết dưới đây tổng hợp diễn biến cung – cầu trên thị trường chè – cũng như những khuynh hướng giá trong năm vừa qua tại Kenya và Sri Lanka, các nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới.
Trên phạm vi toàn cầu, sản xuất chè năm 2016 được dự báo tăng 2% so với năm 2015 lên 5,3 triệu tấn, nhờ tăng trưởng sản lượng tại Kenya bù đắp suy giảm sản lượng tại Ấn Độ và Sri Lanka. Sản xuất chè của Trung Quốc, nước sản xuất chè lớn nhất thế giới, cũng được dự báo tăng 3% trong cùng kỳ so sánh nhưng đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua. Nguyên nhân chính là do thời tiết bất lợi, đặc biệt là vào đầu năm 2016, khi nhiệt độ giảm xuống mức thấp nhất trong vài thập kỷ, gây thiệt hại cho các búp chè.
Tiêu dùng chè toàn cầu được dự báo vượt sản xuất, đạt 5,6 triệu tấn trong năm 2016, tăng 5% so với năm 2015. Tăng trưởng tiêu dùng chủ yếu có nhờ Trung Quốc và Ấn Độ, những nước tiêu dùng chè lớn nhất thế giới. Tiêu dùng chè tại các thị trường này lớn do quy mô dân số. Tuy nhiên, do tiêu dùng chè trên đầu người thực chất là thấp hơn so với các thị trường khác nên vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Tiêu dùng chè tại Mỹ được dự báo tăng 3% trong cùng kỳ so sánh do nhu cầu người tiêu dùng cao đối với các thức uống có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, giá chè tại các thị trường khác nhau chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi diễn biến sản xuất nội địa, có thể tác động tới giá chè chào bán tại các buổi đấu giá. Tại Kenya, nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, giá chè giảm trong 9 tháng đầu năm 2016 do sản xuất tăng. Dữ liệu gần đây cho thấy sản lượng chè Kenya trong 10 tháng đầu năm 2016 tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015 do lượng mưa tăng trong nửa đầu năm 2016 giúp giảm nhẹ thiệt hại gây ra bởi các đợt hạn hán vào năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 đến nay, giá chè đã tăng 30% do thời tiết khô và lạnh bất thường trong nửa cuối năm 2016 làm trì hoãn thu hoạch, giảm sản lượng chè tại các hiên đấu giá.
Trong khi đó, tại Sri Lanka, giá chè giảm trong nửa đầu năm 2016 do nguồn cung tăng sau hai vụ thu hoạch đầu tiên. Tuy nhiên giá đã tăng 25% trong nửa cuối năm 2016 do sản lượng thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Tổng sản lượng chè của Sri Lanka trong 10 tháng đầu năm 2016 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do thời tiết bất thường trong suốt cả năm 2016, bắt đầu với thời tiết khô khác nghiệt từ tháng 1 – 4, theo sau là mưa lớn hơn thông lệ vào tháng 5, kết thúc năm là các đợt khô hạn kéo dài trong nửa cuối năm 2016.
Mặc dù thâm hụt nguồn cung toàn cầu có thể không tác động tới giá chè tại các thị trường khác nhau, nhưng năm 2016 vẫn là năm giá chè biến động mạnh Do nguồn cung giảm và vụ thu hoạch tại các thị trường chính đang vào kỳ kết thúc, không có dấu hiệu cho thấy giá sẽ giảm, ít nhất là cho đến sau đợt thu hoạch đầu tiên của năm 2017.
Theo Spend Matters