Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy chuẩn kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia
21 | 04 | 2017
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia.

Thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia thuộc Quy chuẩn này gồm thuốc bảo vệ thực vật có một trong những hoạt chất: Buprofezin; Thiamethoxam; Fenobucarb; Isoprothiolane; Fenoxanil; Fipronil và các hoạt chất khác.

Theo dự thảo, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia được bố trí trong khu công nghiệp phải đáp ứng quy định của khu công nghiệp. Kho ngoài khu công nghiệp phải cách trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 500 m; kho phải có tường bao ngăn cách với bên ngoài.

Diện tích kho phải đủ rộng để bảo quản lượng thuốc bảo vệ thực vật được giao bảo quản. Cụ thể như sau:

STT Lượng thuốc (tấn/1.000 lít) Diện tích kho (m2)
1 <  50 250
2 50 – 100 500
3 101 – 150 750
4 151 – 200 1.000
5 201 – 300 1.500
6 301 – 500 3.000
7 501 – 1.000 6.000

Theo dự thảo, phải định kỳ vệ sinh kho 1 tháng/lần. Làm sạch trần, tường, sàn, các cửa ra vào, cửa thông gió, quạt thông gió. Phải dùng chổi hoặc dụng cụ thích hợp làm sạch bề mặt lô hàng. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh hè kho, sân kho xung quanh từ nền ra 2,5m.

Định kỳ đảo hàng trong kho mỗi quý một lần. Khi đảo hàng, chuyển 30% lượng hàng sang vị trí khoảng kho trống hoặc các giá kê có đủ khoảng trống; quét dọn, vệ sinh sạch sẽ khu vực chứa hàng; sau đó lần lượt chuyển hàng sang kệ bên cạnh và cuối cùng chuyển 30% lượng hàng đảo chuyển ban đầu vào vị trí. Khi dỡ hàng phải lấy lần lượt từ trên xuống. Đảm bảo hàng được đảo đều, hàng để trên khi đảo phải xếp xuống dưới, hàng để dưới khi đảo phải xếp lên trên. Kết hợp kiểm tra tình trạng bao bì, phát và báo cáo các điểm không phù hợp.

Kiểm tra thường xuyên

Theo dự thảo, phải kiểm tra thường xuyên thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia. Cụ thể, hàng ngày, nhân viên kho có trách nhiệm kiểm tra tình trạng kho hàng; nếu có bất thường cần chủ động có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo cáo lên cấp trên.

Cuối tuần nhân viên kho cần đảm bảo việc kiểm tra hàng hóa, vật tư… trong kho đảm bảo đủ về mặt số lượng, cảm quan (nhãn mác, bao bì). Kết quả kiểm tra, các phát hiện, báo cáo về số lượng, cảm quan hàng hóa và điều kiện bảo quản phải được lập và lưu vào hồ sơ. Cuối tháng kiểm tra tình trạng kho hàng, hàng hóa (ẩm, mốc, nhãn mác, bao bì của từng loại hàng hóa). Kết quả kiểm tra, các phát hiện, báo cáo về số lượng, cảm quan hàng hóa và điều kiện bảo quản phải được lập và lưu vào hồ sơ.

Ba tháng một lần kiểm tra và đảo hàng. Kết hợp kiểm tra tình trạng nhãn mác, bao bì. Kết quả kiểm tra, các phát hiện, báo cáo về số lượng, cảm quan hàng hóa và điều kiện bảo quản phải được lập và lưu vào hồ sơ. Cuối năm kiểm tra số lượng, nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng của từng loại hàng hóa và tình trạng kho hàng.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện phòng chống cháy nổ và lụt bão (đặc biệt chú ý mùa nóng, trước mùa mưa bão và trước, sau mỗi đợt mưa bão); định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa 2 lần/năm đối với mỗi lô thuốc bảo quản.

Dự thảo nêu rõ, kiểm tra đột xuất khi có nghi ngờ, có thiên tai hoặc theo chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền. Kết quả kiểm tra được ghi vào sổ theo dõi công tác bảo quản (hoặc lập biên bản theo yêu cầu).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

 


Theo thiennhien.net
Báo cáo phân tích thị trường