Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyển đổi sản xuất ở ĐBSCL: DN phải tham gia làm quy hoạch
26 | 09 | 2017
ĐBSCL hiện đang phải đối mặt thực tế nước ngọt giảm mạnh trong khi nước mặn có thể dâng cao hơn và đất đai bị xói mòn. Vậy đâu là hướng ra cho sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL? Dưới đây là ý kiến GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Trồng lúa đã thành quán tính

Đánh giá hiện trạng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, với chính sách an ninh lương thực, trong suốt những năm qua, tại ĐBSCL, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp hầu hết tập trung vào cây lúa, và hạ tầng phục vụ trồng lúa. Thậm chí, trồng lúa đã trở thành quán tính, ăn sâu vào cội rễ của từng người nông dân và lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất các cấp tại các địa phương ở ĐBSCL.

Và mặc dù Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ nhì, ba trên thế giới nhưng hiệu quả kinh tế không cao, lợi tức của nông dân trồng lúa thấp.

Trong khi đó, một số nông dân cá thể khác trồng cây ăn quả, nuôi tôm, nuôi cá một cách tự phát, không được Nhà nước đầu tư cơ bản nên sản xuất theo kinh nghiệm là chính, không thân thiện môi trường, chi phí cao, sâu bệnh nhiều.

Với nhóm nông dân trồng mía, tuy có đầu ra ổn định với một số nhà máy đường, nhưng cũng vẫn canh tác cá thể, diện tích manh mún, kỹ thuật trồng truyền thống vì hệ thống khoa học phục vụ quá yếu, dễ phá quy hoạch, bỏ mía để trồng khoai mì, mãng cầu… dẫn đến các nhà máy không có vùng nguyên liệu đủ lớn để hoạt động.

Sản phẩm không thương hiệu

Một vấn đề lớn đặt ra đối với nông nghiệp ĐBSCL suốt bao năm qua đó là mặc dù đầu tư của Nhà nước rất cao, chi phí sản xuất rất cao, nhưng giá bán sản phẩm luôn thấp. Vậy đâu là nguyên nhân chính? Theo GS Võ Tòng Xuân, lý do là hầu hết sản phẩm nông nghiệp sản xuất từ đây đa phần chưa có thương hiệu.

Hiện các nhà máy chế biến lúa tại ĐBSCL thường không truy nguyên được nguồn gốc vì phần lớn lúa qua thương lái mua gom và do đó gạo thành phẩm phần lớn không thương hiệu.

Còn công nghiệp cho chế biến thủy hải sản và trái cây thì chủ yếu là đầu tư tự phát, nguyên liệu cũng tương tự như lúa, mua qua thương lái theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không thể truy nguyên nguồn gốc, thành phẩm không có thương hiệu nổi tiếng.

Thiếu chính sách xuyên suốt

Vậy thực trạng nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay như thế nào? Vị chuyên gia có nhiều năm gắn bó với ĐBSCL cho biết nhận định: Thực trạng là nông dân trồng tự phát, nhà máy chế biến cũng tự phát, công nghệ không hiện đại và nhất là cả người trồng và người chế biến không gắn kết được với nhau, trong khi chính quyền địa phương thì lúng túng chuyển đổi cơ cấu đã dẫn đến việc không biết phải phá vỡ quán tính trồng lúa như thế nào.

Cùng với đó, nhiều chính sách không hoặc rất khó thực hiện vì không có chỉ đạo xuyên suốt. Doanh nghiệp làm ăn khó tranh thủ vay được vốn ưu đãi. Quản lý điều hành doanh nghiệp nông nghiệp thiếu đào tạo chuyên môn.

Quy hoạch vùng nông nghiệp thường là duy ý chí thay vì theo nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị, do đó bản đồ quy hoạch thường là để trang trí hơn là để sử dụng. Nhược điểm lớn nhất là quy hoạch riêng lẻ từng ngành không tích hợp lại được đồng bộ, ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất.

Quy hoạch ĐBSCL thời biến đổi khí hậu

Khắc phục những yếu kém đã qua, trong thời biến đổi khí hậu, theo GS. Võ Tòng Xuân nên áp dụng phương pháp Quy hoạch tích hợp.

Vị Giáo sư giải thích, tổng hợp là cộng lại với nhau thành một đơn vị mới, lớn hơn nhưng không gắn vào nhau. Tích hợp là chen vào thành phần tối ưu nhất của mỗi đơn vị để làm thành một đơn vị mới với kích thước không tăng nhưng nội dung xúc tích hơn do các thành phần riêng đã quyện vào nhau. Tuy nhiên, rất cần phải có một chỉ huy tài giỏi điều khiển cho hài hòa tích hợp.

Theo đó, thị trường phải là mắt xích được xác định đầu tiên trong chuỗi giá trị kế hoạch phát triển nông thôn tích hợp. Các khâu kế tiếp được tổ chức một cách đồng bộ nhắm vào đích chiếm lĩnh thị trường bằng một loạt biện pháp chính sách.

Với ĐBSCL hiện nay, cần nhìn thẳng thực trạng để xem điểm mạnh, điểm yếu, đâu là cơ hội và đâu là thách thức thật chính xác, thực tế.

Cụ thể, trong thời kỳ biến đổi khí hậu, ĐBSCL đang phải đối mặt hai thực tế: Nước ngọt giảm mạnh không nguồn thay thế trong khi nước mặn có thể dâng cao hơn và đất đai bị xói mòn, diện tích mất dần cho xây dựng đô thị và công nghiệp.

Do đó, hướng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL cần xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu. Các bộ, ngành và doanh nhân cần tìm để chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn. Quá trình chọn lựa cần phải có doanh nghiệp tham gia từ đầu, vì họ là người sẽ đầu tư sản xuất cung cấp cho thị trường.

Mũi nhọn nông nghiệp

Xác định mũi nhọn phải tùy theo thị trường đòi hỏi, vùng sinh thái thích nghi, và tùy từng thời điểm mà quyết định chọn lựa cây, con cho sản xuất.

Lúa gạo có đặc điểm rất tốn nước ngọt và giá quá thấp, dân trồng lúa không hưởng lợi bao nhiêu. Do đó chỉ giữ lại diện tích lúa tại vùng phù sa có đầy đủ nước ngọt đầu nguồn, dứt khoát giảm diện tích lúa 3 vụ để lấy nước lũ, phù sa cho cá, tôm…

Về giống lúa, ưu tiên 1 cho gạo loại thứ cấp (xuất khẩu gạo cho Philippines, Indonesia, Nigeria, Ghana…; xuất khẩu bột gạo cho Nhật Bản, Australia,…). Ưu tiên 2 cho gạo thơm xuất cho các nước khác.

Chuyển các diện tích lúa bấp bênh đầu tư cao (vùng phèn nặng, vùng mặn) sang nuôi trồng cây con có giá trị cao (cây ăn trái thích hợp, mía, nuôi cá, nuôi tôm).

Mặt hàng chiến lược là tôm, cần phải dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống thủy lợi lấy nước mặn sạch vào pha với nước ngọt đưa vào từng thửa vuông tôm và nước thải từ từng vuông tôm được đưa ra khu xử lý có rừng ngập mặn.

Với trái cây nhiệt đới, vùng sản xuất cây ăn trái cần diện tích liền kề, hình thành các hợp tác xã, bố trí trên vùng lúa chuyển đổi có bao đê hoặc dọc theo đất bờ sông. Cần có nhà máy sơ chế hoặc chế biến trái cây đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, được xây dựng gần các vườn cây, với đủ trang thiết bị chế biến.

Tùy điều kiện thị trường trong và ngoài nước, doanh nhân sẽ chọn các loại trái cây mà các nước ưa chuộng như xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, sầu riêng, dừa…

Đặc biệt, trong thủy lợi, không nên ngọt hóa vùng ven biển vì biến đổi khí hậu không còn nhiều nước ngọt dẫn về vùng mặn. Điều hòa nước mặn và ngọt để trồng lúa bằng nước mưa, sau đó nuôi tôm nước lợ.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần trồng hoặc phục hồi rừng ngập mặn ven bờ biển ĐBSCL. Trong đó chú ý đến cây đước, tạo vùng sinh sản cho các loài thủy sản, khai thác nguyên liệu than xuất khẩu cho các nước.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường