Thoái hóa đất, chuyển đổi đất và sự phát triển của đô thị liên tục gây áp lực giảm quy mô trung bình đất đai sản xuất nông nghiệp tại châu Á. Đồng thời, thất bại trong ứng dụng máy móc công nghệ, cùng với các thực hành canh tác thiếu bền vững, đang thắt chặt biên lợi nhuận của nông dân. Tốc độ tăng trưởng năng suất từ những giống mới đang chậm lại cộng với biến đổi khí hậu là các nguyên nhân chính khiến Viện nghiên cứu chính sách thực phẩm và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo năng suất lúa được thủy lợi hóa đến năm 2050 sẽ thấp hơn 20% so với năm 2000.
“Một phần của vấn đề là quy mô đất đai. Nếu tôi sở hữu một mảnh đất nhỏ, tôi có thể cải thiện sản xuất nhưng chỉ đến mức độ nào đó bởi quy mô của mảnh đất. Điều này cũng xác định lợi nhuận tiềm năng của tôi”, theo ông Simon-Thorsten Wiebusch, lãnh đạo bộ phận khoa học trồng trọt phụ trách Đông Nam Á của Bayer AG. Nghiên cứu của Bayer cho thấy trên toàn thế giới, 525 triệu hộ gia đình đang canh tác trên mảnh ruộng có diện tích chưa bằng 2 sân bóng và 100 triệu trong số này sống tại các nước ASEAN. Những hộ sản xuất nhỏ này chiếm lĩnh 70 – 80% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn cầu và sản xuất 40% tổng sản lượng thực phẩm. “Mối quan tâm ngày càng tăng khi ngày càng nhiều nông dân tự hỏi: Làm sao tôi có thể chủ động hơn về mặt kinh tế? Có một hạn mức về lượng sản phẩm tối đa bạn có thể khai thác từ đất nên khi bạn nhìn vào lý thuyết kinh tế, có thu nhập thì cũng có đầu tư. Những khoản đầu tư lớn trong sản xuất lúa gạo là lao động và thời gian”, ông Wiebusch nhấn mạnh tại Triển lãm và Hội nghị gạo bền vững toàn cầu tại Bangkok.
Bayer tin rằng do sản xuất lúa gạo thâm dụng thời gian và lao động, những đổi mới lớn hiện là các ứng dụng số có thể giúp giảm thời gian nông dân dành cho đất đai, qua đó giúp họ có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động đâu tư gia tăng giá trị hoặc chế biến và xuất khẩu sản phẩm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Những cách tiếp cận này có vẻ hợp lý hơn tích tụ đất đai, một chính sách đang được lòng rất nhiều nước Đông Nam Á, ông Wiebusch nhận định. “Tích tụ đất đai thường có nghĩa là một người có nhiều đất hơn và một số người khác thuê đất để canh tác. Sản lượng có thể không cao như người ta tự sản xuất trên đất đai của mình”.
ADB cho rằng các hộ sản xuất nông nghiệp tại châu Á cần trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Trung Quốc đang hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp thông qua các HTX và bằng cách sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận các thị trường giá trị cao. Tại Việt Nam, một chương trình hợp tác nhằm cải thiện chất lượng nông sản cho người tiêu dùng thành thị và tăng thu nhập cho nông dân từ chè, rau quả thêm 30%.
Ông Wiebusch cho biết Thái Lan cũng đang đi theo những hướng tiếp cận này, đồng thời cũng tập trung vào số hóa, đặc biệt là hoạt động sau thu hoạch. “Ai là người bạn sẽ bán hàng cho? Làm cách nào chắc chắn bán được giá tốt? Đây là những câu hỏi mà công nghệ số hóa có thể giúp tăng mạnh tính minh bạch”.
Tham nhũng là vấn nạn dai dẳng trong ngành gạo Thái Lan. Các nhà xay xát thay đổi thiết bị thang cân khiến kết quả đọc độ ẩm cao để đẩy giá trả cho nông dân xuống thấp. Các chương trình tạm trữ lúa gạo phụ thuộc vào các nhà kho tự nhân để dự trữ lúa. Một số đã đánh lừa hệ thống bằng cách bán hết toàn bộ số gạo có chất lượng cao thu mua theo chương trình, sau đó mua gạo chất lượng thấp hơn để đưa vào lấp đầy các nhà kho để bỏ túi mức chênh giá giữa hai loại gạo. Cấu kết với các cán bộ thanh tra biến chất diễn ra rất phổ biến. Các phương pháp kiểm tra rất thô sơ, thường chỉ dùng cách nấu cơm lên thay vì sử dụng mẫu DNA. “Nếu một nông dân chào bán lúa cho 3 – 4 nhà máy trên một hệ thống di động và mỗi nhà máy trả giá bán cho lúa này, nông dân có thể có cơ hội cao hơn để bán lúa với giá tốt hơn so với trường hợp anh ta chỉ phụ thuộc vào ai đó đến và nói rằng tôi muốn mua lúa của anh ngay bây giờ”, ông Wiebusch phân tích.
Bayer hiện đang tập trung nghiên cứu một ứng dụng toàn diện, tổng hợp tất cả các khía cạnh trong quản lý canh tác vào một ứng dụng di động. Nhưng kết nối tất cả yếu tố vào một ứng dụng là rất khó và tìm được đối tác đúng là vấn đề quan trọng. “Chúng tôi có một dự án thử nghiệm, trong đó một ứng dụng như vậy đang được phát triển tại Ấn Độ và chúng tôi đang hợp tác với một công ty tại Myanmar tập trung vào đào tạo nông dân. Điểm nổi bật của ứng dụng này là bạn có thể bắt đầu với những thứ đơn giản như thông tin thời tiết và sau đó bạn bắt đầu bổ sung thêm các thông tin khác khi có đối tác mới”. Jens Hartmann, giám đốc bộ phận khoa học trồng trọt của Bayer tại châu Á Thái Bình Dương, cho rằng tối ưu hóa công nghệ có thể giúp giảm sử dụng các nguồn lực đầu vào và cũng có thể thu hút lao động trẻ vào ngành nông nghiệp”. Bayer đang hỗ trợ các nông dân sản xuất nhỏ tại ASEAN bằng công nghệ số, bao gồm thông tin về dữ liệu mùa màng, dự báo thời tiết và cảnh báo thời tiết, các báo cáo rủi ro dịch bệnh và các giải pháp xử lý dịch bệnh cho từng loại cây trồng cụ thể. Công ty cũng đang nghiên cứu ứng dụng nhận diện hình ảnh và các thuật toán tự giải, giúp nông dân xác định các loại cỏ, sâu bệnh và các bệnh khác trên cây trồng, nhằm giúp nông dân sản xuất nhỏ tại ASEAN tăng năng suất thêm 25%. “Thế hệ trẻ ASEAN có tiềm năng lớn để trở thành những người ứng dụng sớm công nghệ nông nghiệp, qua đó thúc đẩy năng suất nông nghiệp, sản xuất chuyên nghiệp”.
Ông Wiebusch cho rằng trong tương lai gần, các máy cày, máy bay không người lái và robot được điều khiển bởi điện thoại cầm tay hoặc tablet sẽ hỗ trợ hoạt động canh tác 24/7 trong các thời điểm quan trọng của mùa màng và giảm thời gian nông dân dành cho đồng ruộng.
Đồng thời, tích hợp trí thông minh nhân tạo, hình ảnh vệ tinh và phần mềm dự báo sẽ giúp nông dân đưa ra các quyết định quan trọng nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và có thể phòng tránh rủi ro mùa màng bị thiệt hại do thời tiết hoặc dịch bệnh. Vấn đề là thiếu ý thức và đào tạo, và có thể không phải tất cả nông dân đều có khả năng mua các ứng dụng này. “Nếu các chính phủ ASEAN thực sự muốn thúc đẩy đổi mới nông nghiệp thì chìa khóa là hợp tác. Một cách khác là thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh tại các khu vực nông thôn, qua đó chính phủ có thể hợp tác với các công ty viễn thông để phát triển một mô hình kinh doanh và với các công ty đầu vào như Bayer để có dữ liệu thông tin phù hợp cho điện thoại thông minh”.
Đồng thời, ADB cũng khuyến nghị thúc đẩy các hợp tác xã, bao gồm các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như nông dân, tất cả những ai đang tập trung nguồn lực để đạt hiệu ứng kinh tế theo quy mô, giảm chi phí và tăng thu nhập.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)