Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển phân bón hữu cơ cần những bước đi nào?
04 | 04 | 2018
Một nền nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phải có nền sản xuất phân bón hữu cơ. Nhưng việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ sẽ cần có những bước đi thế nào để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”?

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Việt Nam cũng đang từng bước hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững. Một nền nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi cũng phải có nền sản xuất phân bón hữu cơ. Nhưng việc phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ sẽ cần có những bước đi thế nào để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”?

Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sử dụng phân bón chỉ đạt 45-50%.

Hiệu quả sản xuất không cao cùng với việc lạm dụng sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn có thể khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời cải thiện môi trường đất.

Hiện tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 so với công suất sản xuất phân bón vơ cơ (26,7 triệu tấn/năm).

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, khối lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu trong 3 năm gần đây đều đã tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng nhâp khẩu năm 2017 khoảng 220.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Trong số đó, phải kể đến phân bón vi sinh vật, khối lượng nhập khẩu năm 2017 là 617 tấn, tăng gấp 6 lần so với năm 2015 và tăng 2 lần so với năm 2016. Khối lượng nhập khẩu phân bón hữu cơ sinh học năm 2017 là xấp xỉ 117.000 tấn, tăng 8 lần so với năm 2016. Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu phân bón hữu cơ cải tạo đất với 105 tấn.

Phân bón hữu cơ nhập khẩu tăng liên tục trong khi các nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú. Đó là nguồn từ chất thải trong chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, phụ phẩm cây trồng, than bùn, rác thải sinh hoạt...

Việc khuyến khích cho sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả tiến đến một nền nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ an toàn và bền vững nhằm nâng cao giá trị của nông sản, góp phần bảo vệ môi trường là thực sự cần thiết.

Nhưng để sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu này, ông Lê Văn Tri, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Sinh học Việt Nam cho rằng, trước hết là phải có các nhà máy sản xuất các nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Nếu không có cơ sở sản xuất men vi sinh tốt thì không thể sản xuất được phân bón hữu cơ, trong khi hiện nay rất ít các cơ sở sản xuất nguyên liệu đó.

Việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh lại phụ thuộc vào nguyên liệu tại cơ sở. Cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phải gắn bó ngay tại nguồn nguyên liệu cùng chủng giống vi sinh xử lý nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh còn phải hiểu tính chất đất ở vùng sử dụng loại phân đó, tính chất cây trồng ở nơi đó. Do đó, không thể sản xuất phân bón hữu cơ tại cơ sở này đi bán cả nước được, ông Lê Văn Tri chỉ ra.

Ngoài ra, không giống như các loại phân vô cơ, dù vận chuyển xa thì chất lượng ít biến động. Nhưng với phân hữu cơ, theo các chuyên gia, nếu vận chuyển quá xa sẽ đội giá thành lên cao và đặc biệt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng phân bón.

Theo ông Lê Văn Tri, đầu tiên phải sản xuất được nguyên liệu gốc, giải quyết được vấn đề công nghệ, tiềm năng nguồn sản xuất phân bón tại các cơ sở và xây dựng cơ sở đầu mối sản xuất phân bón vi sinh cho các tỉnh.

“Không có một kế hoạch như vậy sẽ lại “trăm hoa đua nở” rồi kết quả chất lượng không đâu vào đâu, lại khổ cán bộ quản lý thị trường và nông dân”, ông Lê Văn Tri khuyến cáo.

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp là đầu tàu đi vào sản xuất phân bón nhưng tối đa cũng chỉ dừng lại ở vài chục tấn. Người dân và các trang trại phải là chủ lực trong sản xuất loại phân này nhưng vẫn thiếu sự quan tâm. Cần làm thế nào cho hàng triệu nông dân, các trang trại cùng làm phân hữu cơ. Do đó, cần có nhiều chính sách hướng vào đội ngũ này, nếu không sẽ khó thành công.

Ông Nguyễn Văn Bộ cũng đặt vấn đề, để thu gom được nguyên liệu hữu cơ là cả vấn đề lớn. Công nghệ rất dễ nhưng làm sao xử lý được tại chỗ để làm ra một hệ thống nguyên liệu sơ chế rồi các nhà máy lấy về làm phân bón. Chính sách nhà nước cần tập trung vào vấn đề này.

Không chỉ cần tính đến sản xuất ở đâu, làm như thế nào mà hiện nay hệ thống tiêu chuẩn về phân bón hữu cơ cơ bản vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Về quy chuẩn, đến nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào trong lĩnh vực phân bón được xây dựng. Bên cạnh đó, hiện mới chỉ có 4/12 phòng thử nghiệm có thể kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh vật.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón; đồng thời rà soát và xây dựng kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn phương pháp thử đối với các chỉ tiêu của phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh… Năm 2018 sẽ cơ bản hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón hữu cơ phục vụ quản lý nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, hiện có gần 100 doanh nghiệp lớn bắt đầu nghiên cứu, tổ chức sản xuất và hướng mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ. Các doanh nghiệp có các hình thức liên kết với nông dân và nhiều vùng nông dân đã quay trở lại sử dụng phân bón hữu cơ.

Với sự tập trung, đồng lực ở cả 3 khu vực: các nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân kể cả trong tiêu thụ sản phẩm và tiêu dùng sản xuất, thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy nhanh được việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ vào trong quá trình xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết.

Theo TTXVN

 



Báo cáo phân tích thị trường