Sáng nay, 9/4, tại tỉnh Hải Dương, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Đây là dịp để nông dân đề xuất, kiến nghị trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Gỡ khó 4 nhóm vấn đề lớn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại với nông dân cả nước để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những vướng mắc khó khăn của người nông dân. Sau hai tuần triển khai, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi.
Ban tổ chức đã chọn lọc câu hỏi nhiều người quan tâm nhất, gom lại thành 4 nhóm vấn đề lớn: Nhóm vấn đề thứ nhất là thị trường và đầu ra cho nông sản; Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến vốn và đất đai; Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến Công nghệ cho nông nghiệp và Quản lý vật tư nông nghiệp; Và thứ tư là các câu hỏi liên quan đến các vấn đề khác (như môi trường nông thôn, lao động nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách đối với miền núi – dân tộc và nông thôn mới…).
Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, điều quan trọng nhất của cuộc gặp hôm nay là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Có nhiều câu hỏi cần đặt ra: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%? nguyên nhân là do năng suất lao động thấp?...
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tại Hải Dương. (Ảnh: Thanh Tâm) |
Có nhiều vấn đề đặt ra: Thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bao gồm cả hạ tầng đời sống vật chất tinh thần của người dân, làm sao những truyền thống văn hóa tốt đẹp cần phát huy.
“Hôm nay, các thành viên Chính phủ sẽ trực tiếp sẵn sàng trả lời những câu hỏi của nông dân; đồng thời đưa ra những thể chế, chính sách mới. Có những điều chưa thể giải quyết ngay nhưng định hướng chính sách là rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, chưa bao giờ có một cuộc đối thoại giữa Thủ tướng, các lãnh đạo các Bộ, ngành trực tiếp với những người sản xuất như hôm nay. Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, phải cảm ơn chính những người nông dân đang ngày đêm trực tiếp sản xuất để đưa đất nước từ từ một nước thiếu ăn sang đủ ăn. Thậm chí, không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 30 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện tại, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu phấn đấu có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Việt Nam đang đứng thứ 18 trên thế giới về tổng thể, chúng ta có quyền tự hào, người nông dân chúng ta đang thực hiện các chủ trương, định hướng về nông nghiệp là rất tốt không có nhiều nước có thể nuôi tôm, trồng cây cho ra năng suất như của chúng ta hiện nay.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời trực tiếp tại Hội nghị đối thoại. (Ảnh: PV) |
“Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi, nhiều mô hình thành công. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân, đặt hàng cho nông dân với sản phẩm giống đầu vào hữu cơ, chế biến đi xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Sản xuất cái thị trường cần
Mở đầu phiên đối thoại, vấn đề được gỡ khó đầu tiên đó là câu chuyện thị trường “đầu ra” của các mặt hàng nông sản, trong bối cảnh liên tiếp có nhiều sản phẩm của người nông dân vẫn loay hoay quanh câu chuyện “được mùa, rớt giá”. Đây là chủ đề mà Ban tổ chức nhận được nhiều câu hỏi nhất, phiên đối thoại đầu tiên có chủ đề “Đối thoại về thị trường và đầu ra cho nông sản”.
Nêu vấn đề tại phiên đối thoại, nông dân Tăng Xuân Trường, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho hay, những ngày này, Thủ tướng và các vị Bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, "ế nông sản" xảy ra ở nơi này, nơi kia. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt. Hay gần đây, ngay tại thủ phủ sản xuất nông sản Đà Lạt, các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta.
Đồng quan điểm, nông dân Đặng Thị Dịu, khu 7, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, với nông dân, thị trường tiêu thụ, "đầu ra" cho sản phẩm nông sản luôn là nỗi lo lớn. Người nông dân cảm thấy bế tắc khi liên tục rơi vào cảnh trồng ra rồi lại không tiêu thụ được, tìm kiếm thông tin thị trường tiêu thụ thật khó khăn.
“Một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản khó tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu khó khăn là do thiếu định hướng và thiếu thông tin thị trường. Xin hỏi Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường giúp cho người nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?” bà Đặng Thị Dịu đặt câu hỏi.
Trả lời tại phiên đối thoại về câu chuyện thị trường, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, việc một số sản phẩm của chúng ta bị ù ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kênh không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch. Đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn xiết chặt chúng ta lập tức gặp khó khăn.
“Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đó là Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà nước bạn cần. Dẫn chứng cho thấy riêng mặt hàng nông sản tăng trưởng cao nhất, đạt 61%”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thêm, để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. Để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, bà con nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ông Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, để phát triển hơn nữa và đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi. "Chúng ta cần định hướng phát triển theo cái thị trường cần chứ không phải là chỉ sản xuất cái chúng ta có", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Khẳng định tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều loại nông sản củ quả của VN đã tham gia các thị trường lớn, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng doanh nghiệp, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tôi quán triệt tinh thần này đến hộ ND, đến HTX, tổ hợp tác và DN.
"Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai.
Đặc biệt là phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Hiện cả nước mới có 8 nhà máy chế biến nông sản. Vừa rồi đã có thêm nhà máy chế biến nông sản lớn nhất cả nước ở Long An. Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường, các DN cần tham gia xây dựng nhà máy chế iến để nâng cao giá trị nông sản. Ở các nước, nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.
Theo Kinh tế nông thôn