Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngày 9.4, lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại với nông dân
04 | 04 | 2018
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc đối thoại với nông dân. Cuộc đối thoại dự kiến diễn ra vào ngày 9.4 tại tỉnh Hải Dương. “Đây là dịp để nông dân đề xuất, kiến nghị trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Phó Ban tổ chức cuộc đối thoại khẳng định.

Nhà báo Lưu Quang Định cho biết, hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ chỉ đạo tổ chức. Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lắng nghe  những đại biểu nông dân đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân cả nước nói lên tâm tư, nguyện vọng; nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với người đứng đầu Chính phủ một cách trực tiếp nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình sản xuất, trao đổi với nông dân tại khu sản xuất rau an toàn Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: V.G.P

Thưa ông, việc tổ chức cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân có ý nghĩa như thế nào?

- Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tổng kết thành tựu 30 năm đổi mới đất nước. Trong 30 năm đổi mới đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nổi lên như là một trong những gam màu chủ đạo tạo nên bức tranh thành tựu to lớn của đất nước.

Những kết quả ấn tượng của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn có tác động to lớn tới thành tựu giảm nghèo trong 30 năm đổi mới. Điều này đã được Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Liên Hợp Quốc đánh giá tích cực công cuộc đổi mới của Việt Nam và coi như là một hình mẫu cho giảm nghèo tại các nước kém phát triển và đang phát triển.

Đảng, Nhà nước qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã làm rõ những thành tựu, nêu lên bài học kinh nghiệm, nhưng cũng chỉ ra những thời cơ, thách thức phát triển đất nước ở giai đoạn sau 30 năm đổi mới, trong đó quan trọng là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chiến lược của Đảng là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng Đảng cũng xác định là công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thành công thì trước tiên phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đất nước hội nhập vững chắc thì lĩnh vực nông nghiệp phải hội nhập vững chắc.

Trao đổi những cơ hội, nhận diện thách thức, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn để tiếp thêm động lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững trong hội nhập là nội dung, ý nghĩa của cuộc đối thoại. Vì vậy, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.

Nhiều nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sinh sống ở nông thôn, nhưng có những vấn đề thuộc về chính sách mà bản thân họ cũng chưa hiểu hết được. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc đối thoại không, thưa ông?

- Người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sống ở nông thôn thì chính họ mới là người hưởng thụ, đánh giá được hiệu quả của chính sách. Nhận định này nhận được sự đồng thuận cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quả là có những chính sách mà bản thân nhiều nông dân chưa hiểu hết, hoặc hiểu nhưng bà con chưa thể sắp xếp theo kiểu tư duy logic để đặt thành vấn đề thảo luận, trao đổi.

Nhưng điều này đã được Ban Tổ chức tiên liệu và có giải pháp bổ trợ. Thành phần tham dự buổi đối thoại không chỉ đơn thuần là những nông dân Việt Nam xuất sắc được lựa chọn, bình xét thông qua Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” từ năm 2013 đến nay mà còn có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp, nông thôn, đại diện Hội Nông dân các cấp.

Và một lực lượng không thể thiếu chính là các doanh nghiệp, doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực này.

Cùng với những nông dân giỏi, nông dân xuất sắc, cán bộ Hội Nông dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nhân nông nghiệp sẽ đảm bảo cho hội nghị đối thoại đạt chất lượng như kỳ vọng…

Là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện, ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân?

- Ngay sau khi được cấp trên giao cho việc chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt đã khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị.

Đến nay, các nội dung, công việc cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân. Ban Tổ chức đã mời khoảng 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và tỉnh Hải Dương; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; những nông dân giỏi; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chính sách lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Trong quá trình thực hiện các nội dung công việc chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt luôn nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo của tập thể lãnh đạo Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ban, ngành T.Ư.

Đặc biệt, chúng tôi cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ có trách nhiệm cao của Tỉnh ủy, UBND, các ban, ngành tỉnh Hải Dương cũng như nhận được sự hưởng ứng tham dự của đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những nông dân giỏi và nhất là của các doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này chắc chắn sẽ góp phần giúp cho cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân thành công tốt đẹp…

Xin cảm ơn ông!

"Trao đổi những cơ hội, nhận diện thách thức, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn để tiếp thêm động lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững trong hội nhập là nội dung, ý nghĩa của cuộc đối thoại. Vì vậy, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt khẳng định

Theo Dân Việt

 



Báo cáo phân tích thị trường