Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Louis Dreyfus giảm dự trữ cà phê Robusta do thay đổi chính sách kho bãi
15 | 05 | 2018
Louis Dreyfus vừa xả bán một phần lớn lượng dự trữ cà phê Robusta có chứng nhận trước khi một thay đổi về quy định khiến chi phí dự trữ cà phê giao sau trở nên đắt đỏ hơn.

Dữ liệu ICE cho thấy 59.270 tấn cà phê Robusta đã được trao tay, chuyển về thời hạn giao hàng bắt đầu từ đầu tháng 5 này, tương đương khoảng 76% dự trữ cà phê được chứng nhận tại các nhà kho ở châu Âu. Các nguồn tin trong ngành cho biết lượng cà phê này đã được đấu giá dưới danh nghĩa của Louis Dreyfus Company (LDC), phát đi tín hiệu rằng nhà giao dịch này đang xả bán phần lớn cà phê chứng nhận họ đang nắm giữ. LDC từ chối bình luận về vấn đề này.

Ghi nhận sở hữu dự trữ cà phê Robusta chứng nhận thường được xem là một động thái chiến lược bởi điều này có thể mang lại cho các nhà giao dịch khả năng xoay chuyển lớn hơn về cấu trúc của thị trường các hợp đồng tương lai.

Các nguồn tin cho hay nguyên nhân chính khiến LDC giảm tồn kho cà phê robusta chứng nhận là do thay đổi các quy tắc giao dịch, sẽ làm gia tăng chi phí cho các hợp đồng cà phê Robusta từ tháng 7 trở đi, tức là giai đoạn giao hàng kế tiếp. “Về thương mại, quy định mới sẽ khiến việc dự trữ cà phê trở nên vô nghĩa. Mức chi phí đội lên khiến bạn thậm chí còn không được hòa vốn nếu giữ cà phê”.

Sự thay đổi quy định là động thái mới nhất trong hàng loạt các cải cách về hợp đồng cà phê Robusta trong những năm gần đây sau những than phiền về việc giao dịch thất bại trong việc chấm dứt các yếu tố tiêu cực như chi phí thuê tăng cao và hoạt động dỡ hàng khỏi kho bị trì hoãn kéo dài.

Theo các quy định mới, những người bán các kho dự trữ cà phê robusta chứng nhận sẽ phải chịu chi phí bốc hàng lên tới khoảng 35 USD/tấn, có hiệu lực đối với các hợp đồng từ tháng 7 trở đi, FOB.

Trước đó, người mua chỉ phải chi trả chi phí bốc hàng ra khỏi kho nếu họ muốn chuyển giao quyền sở hữu cho nhà kho. “Với sự thay đổi quy định này, ai đó sẽ phải trả chi phí này khi họ tái đấu giá cà phê vào tháng 7”.

Quá tốn kém để giữ cà phê

Kể từ đầu năm 2018, hợp đồng giao tháng 5 phần lớn đều giao dịch ở mức chiết khấu khoảng 20 – 40 USD so với hợp đồng giao tháng 7, để phần nào bù đắp chi phí gia tăng. Tuy nhiên, việc giảm tồn kho cà phe chứng nhận giúp giữ giá cà phê giao ngay tương đối cao trong những tháng gần đây, hạn chế việc nới rộng mức chênh giá. “Tôi không nghĩ còn nhiều cà phê trong kho”, nguồn tin này ước tính mức chiết khấu giao ngay có thể chạm tới mức khoảng 55 USD để đủ trang trải chi phí lưu kho, bao gồm phí bốc dỡ hàng, lãi suất và phí thuê.

Hồi đầu tháng này, giá cà phê giao ngay cắt mức chiết khấu và ngang bằng với các hợp đồng tương lai, khiến việc nắm giữ các hợp đồng tương lai giao hàng từ tháng 5 – 7 lại càng trở nên tốn kém. Hiện vẫn chưa rõ ai đang nắm giữ lượng cà phê chuyển giao từ LDC, nhưng các nguồn tin cho biết lượng cà phê này được mua dưới danh nghĩa của ít nhất ba hãng khác nhau.

Khi hợp đồng giao cà phê tháng 7 có chi phí tốn kém hơn, một số nhà giao dịch đã chào bán giá tốt, do trước đó đã được chiết khấu sâu nhờ cà phê Brazil. Đồng thời, việc tranh nhau mua cà phê cũ cũng là một nguyên nhân chính khiến lượng cà phê chứng nhận tại các kho giảm nhanh. Theo quy định của ICE, cà phê được cho là phải chiết khấu do cũ từ sau 13 tháng.

Theo Reuters (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường