Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê lập những kỷ lục cao trong năm 2006
14 | 08 | 2007
Giá cà phê thế giới liên tục tăng trong năm qua, nhất là Robusta, do nguồn cung khan hiếm, và triển vọng cung vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong niên vụ 2006/07, sau khi vụ thu hoạch 2005/06 của Việt Nam thiệt hại nặng vì hạn hán khiến cho thị trường trở nên khan hiếm cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới ngày càng tăng, chi phí sản xuất cao cản trở xu hướng mở rộng diện tích trồng cà phê.

Giá Robusta tại London đã lên tới mức cao nhất kể từ hơn 7 năm nay vào ngày 9/11/2006, 1.638 USD/tấn so với 1.215 USD/tấn hồi đầu năm, trong khi Arabica tại New York đạt mức cao nhất vào ngày 14/12/2006 là 128,85 UScent/lb.  Nguyên nhân giá tăng là do các quỹ hàng hoá tăng cường mua vào trong khi dự trữ cà phê ở các nước xuất khẩu chính hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử mà tình hình hình vụ mùa không khả quan ở Braxin, khiến các nhà đầu cơ tích cực mua hàng vào. Nguồn cung cà phê của Việt Nam - nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới – khan hiếm sau khi hạn hán xảy ra liên tiếp trong vụ 2005-06, làm giảm khoảng 21% sản lượng. Mặc dù các nước sản xuất cà phê vối lớn trên thế giới chào bán với giá rất cao và khối lượng hạn chế, song khách hàng vẫn không ngần ngại mua vào.

Braxin, nước sản xuất robusta lớn thứ hai thế giới, mới thu hoạch vụ mới, song hầu hết dành cho tiêu thụ nội địa. Indonexia, nước sản xuất lớn thứ 3, cũng đã thu hoạch song sản lượng giảm mạnh so với năm ngoái do thời tiết xấu. ICO cho biết tính đến cuối tháng 7, tồn kho của các nước sản xuất chỉ còn 10 triệu bao, của các nước tiêu thụ vào khoảng 18 triệu bao, giảm 7 triệu bao so với hai năm trước. Dự trữ cà phê tại New York đã có xu hướng giảm kể từ tháng 7/2005, còn tại London, xu hướng này xuất hiện từ tháng 9/2005. Dự trữ tại Nhật Bản cũng bị giảm sút. Tính đến cuối tháng 2/06, cà phê tươi dự trữ tại các cảng của Nhật Bản chỉ còn 107.308  tấn, giảm 1,98% so với cuối tháng 01.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê thế giới vụ 2005/06 chỉ đạt 106,65 triệu bao (60 kg/bao), giảm 6,1% so với vụ 2004/05, thấp hơn so với mức tiêu thụ - ước đạt 117 triệu bao, trong đó Arabica đạt 69,80 triệu bao, giảm 10,8%, và Robusta đạt 36,84 triệu bao, tăng 4,33%. Xuất khẩu cà phê thế giới đã giảm gần 11% trong nửa đầu vụ 2005/06 và các nhà nhập khẩu đã phải dùng tới dự trữ để thoả mãn nhu cầu. Kết quả là dự trữ cà phê thế giới liên tục giảm sút. ICO ước tính cung/cầu cà phê thế giới niên vụ 2006/07 sẽ gần cân đối, ở mức khoảng 120 triệu bao, khác với tình trạng dư thừa nhiều của những năm trước đây. Sản lượng của Braxin vụ 2005/06 dự kiến đạt khoảng 40,62 triệu bao, thấp hơn mức dự kiến trước đây là 42-44 triệu bao. Sản lượng này cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của nước này. Dự trữ cà phê của nước này không ngừng giảm, hiện chỉ khoảng 10 triệu bao, thấp nhất kể từ một thập kỷ nay. Việc sản lượng giảm ở nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cung trên toàn cầu, nhất là khi nhu cầu cà phê ở Braxin và trên thế giới đều đang tăng lên. Trong khi nhu cầu cà phê thế giới hàng năm tăng khoảng 2%, thì ở Braxin tăng khoảng 4%.

Vụ 2006/07, tổng cung cà phê thế giới dự báo đạt 146,9 triệu bao, tăng gần 7% so với mức ước tính của vụ 2005/06. Với nguồn cung gia tăng, xuất khẩu cà phê thế giới vụ 2006/07 dự báo sẽ phục hồi, có thể đạt 92,8 triệu bao, tăng 7,2 triệu bao so với vụ 2005/06, trong đó Braxin có thể chiếm 27,75 triệu bao, tăng 3,7 triệu bao. Braxin là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, nên những thay đổi trong sản lượng cà phê của nước này sẽ ảnh hưởng đến tổng nguồn cung của thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng 1,3 triệu bao, Pêru 1,1 triệu bao và Mêxicô tăng 900.000 bao. Nhu cầu cà phê thế giới cũng được dự  báo sẽ đạt 151 triệu bao, tăng 4,1% so với dự báo sơ bộ và 12,7 triệu bao so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê thế giới niên vụ 2006/07 dự báo sẽ tăng 10% so với niên vụ trước. Trong đó, xuất khẩu của Braxin và  Việt Nam sẽ đạt 17 triệu bao và 15,3 triệu  bao, tăng 1,7 triệu  bao và và 2,4 triệu bao so với niên vụ 2005/06. Dự trữ cà phê thế giới niên vụ này cũng được dự báo sẽ đạt 23.0 triệu  bao, tăng so với 19,8 triệu bao trong niên vụ 05/06.

 

 



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường