Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm 10% do các rào cản thương mại trên thị trường chính
20 | 06 | 2018
Sau khi xuất khẩu gạo đạt kỷ lục trong năm 2017, xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể sẽ giảm 10% trong năm 2018 do các rào cản thương mại mà các thị trường chính của nước này đang đặt ra.

Trong khi Bangladesh đã quay lại áp mức thuế nhập khẩu 28% để hạn chế nguồn gạo từ Ấn Độ, EU cũng đang thắt chặt các quy định về chất lượng bằng cách hạ mức tối đa dư lượng thuốc BVTV. Trong tình hình này, xuất khẩu gạo non-basmati sang Bangladesh và gạo basmati sang EU dự báo sẽ giảm.

Các hạn chế do nước nhập khẩu gạo đặt ra tác động mạnh với hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ bởi thị phần của Bangladesh lên tới hơn 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo non-basmati 8,5 triệu tấn của Ấn Độ; thị phần của EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo basmati Ấn Độ hàng năm là gần 10%. Tuy nhiên, suy giảm xuất khẩu gạo Ấn Độ sang các thị trường này có thể phần nào được bù đắp nhờ Trung Quốc có khả năng nhập khẩu gạo Ấn Độ từ nửa cuối năm tài khóa hiện tại.

“Xuất khẩu gạo của Ấn Độ nhìn chung có xu hướng giảm trong năm 2018 do các quy định chất lượng ngặt nghèo từ EU. Do đó, trong tương lai gần, Ấn Độ có thể mất toàn bộ thị trường EU với lượng tiêu thụ 400.000 tấn. Tuy nhiên, kịch bản này có thể bớt khốc liệt nếu nông dân trồng lúa giảm sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất lúa gạo basmati về dài hạn. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể cũng sẽ khó lòng xuất gạo sang Bangladesh trong trung hạn”, theo Gurnam Arora, đồng giám đốc điều hành của Kohinoor Foods, một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ với thương hiệu gạo thơm Kohinoor nhận định.

Dữ liệu thu thập bởi Cơ quan Phát triển Xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản (APEDA) cho thấy tăng trưởng ấn tượng trong cả xuất khẩu gạo non-basmati và basmati trong năm tài khóa vừa qua. Ấn Độ nổi lên là nước cung ứng gạo lớn cho các nước Nam Á do lũ lụt nghiêm trọng làm thiệt hại cho sản xuất lúa gạo tại khu vực này. Trong năm tài khóa 2017-18, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ tăng vọt 28% lên 8,65 triệu tấn, so với mức 6,77 triệu tấn của năm tài khóa liền trước. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo basmati duy trì ổn định khoảng 4 triệu tấn trong 3 năm gần dây. Về giá trị, giá trị xuất khẩu gạo non-basmati tăng mạnh 41% lên 3,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2017-18 so với mức 2,5 tỷ USD trong nằm tài khóa trước đó. “Suy giảm xuất khẩu gạo non-basmati có thể được bù đắp phần nào thông qua xuất khẩu gạo sang Trung Quốc mà APEDA đang tiến hành đăng ký các nhà xuất khẩu”, theo một lãnh đạo của doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại Ấn Độ cho hay.

Một nghien cứu từ tổ chức India Rating (Ind-Ra) cho rằng xuất khẩu gạo Ấn Độ vẫn cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế và suy giảm giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ gần đây đang thu hút những khách hàng châu Phi do giá gạo Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn và đồng Rupee giảm giá so với đồng USD giúp biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu tăng lên.

Giá gạo Ấn Độ giảm do xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm trong tháng 4/2018, chủ yếu vì xuất khẩu gạo basmati sang Saudi Arabia và gạo non-basmati sang Banlgadesh giảm, cùng với nhu cầu giảm tại các thị trường châu Phi. India Rating (Ind-Ra) cho rằng nhập khẩu gạo của Bangladesh trong năm tài khóa 2018-19 có thể giảm do sản lượng gạo nôi địa tăng và diện tích trồng lúa mở rộng khi giá gạo nội địa cao trong năm 2017. Xuất khẩu gạo Ấn Độ sang Bangladesh dự báo giảm 0,5 triệu tấn xuống còn 1 triệu tấn.

Tháng 5/2017, các nhà chức trách Trung Quốc đã xác định 14 nhà xuất khẩu gạo ẤnĐộ được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Nhưng việc đăng ký các nhà xuất khẩu có quan tâm tới thị trường Trung Quốc mới bắt đầu gần đây.

Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá sản xuất lần thứ 3 cho năm 2017-18, sản lượng gạo của Ấn Độ được cho là đạt mức cao kỷ lục 111,5 triệu tấn, so với mức mục tiêu 108,5 triệu tấn trong năm nay, phá vỡ mốc kỷ lục trước đó được lập là 109,7 triệu tấn vào năm 2016-17.

Theo Business Standard (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường