Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới chật vật giải quyết dư cung đường
13 | 07 | 2018
Tồn kho đường thế giới đang tiến tới mức cao kỷ lục do tăng trưởng nhu cầu chậm lịa và sản xuất tăng – mang đến cho thị trường hàng hóa có kết quả đầu tư tồi tệ nhất năm 2018.

Người tiêu dùng đang ngày càng lo lắng về tác động tới sức khỏe của các đồ ăn ngọt, và các công ty, từ nhà sản xuất trái cây đóng hộp Del Monte Foods Inc tới các nhà kinh doanh thực phẩm ăn vặt Mondelez International Inc đều đang giảm lượng đường trong các sản phẩm. Tiêu dùng đường toàn cầu vẫn đang tăng nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu dùn đường đã giảm từ mức 1,7% trong thập kỷ vừa qua xuống trung bình 1,4% trong những niên vụ gần đây, theo nhà nghiên cứu Green Pool Commodity Specialists.

Trong thời gian tới, sản xuất sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là tại Ấn Độ – nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới. Nông dân tại Thái Lan cũng đang thu hoạch vụ sản xuất bội thu. Tồn kho đường thế giới đang nhích dần đến mức cao kỷ lục trong niên vụ hiện tại và và sẽ duy trì gần sát mốc kỷ lục này trong năm tới, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Giá đường tương lai trên thị trường New York đã giảm tới 25% từ đầu năm 2018 đến nay, là mức giảm giá mạnh nhất trong Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, theo dõi lợi nhuận đầu từ cho 22 loại hàng hóa. “Trừ khi có các vấn đề thời tiết, thị trường sẽ không có hy vọng giá lên một cách bền vững”, theo nhận định của ông Donald Selkin, chiến lược gia trưởng tại Newbridge Securities Corp. “Tất cả đều đang cố gắng tránh tiêu dùng đường và các sản phẩm có đường. Điều này dễ thấy ở các siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Nhu cầu đang ngày càng giảm trong những năm gần đây. Giá giảm và sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian”.

Các nhà đầu tư đều đang dự báo giá đường sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong tuần kết thúc vào ngày 3/7, các nhà quản lý tài chính đã tăng gấp 3 lần trạng thái bán ròng, theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai công bố hồi đầu tuần.

Sản xuất đường toàn cầu sẽ tiếp tục vượt nhu cầu tới 19,6 triệu tấn trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/9 sắp tới, mức thặng dư cao kỷ lục, theo báo cáo từ Green Pool công bố hồi tháng 6 vừa qua. Mức thặng dư này thậm chí còn cao hơn tiêu dùng hàng năm tại Trung Quốc, nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới.

Sau khi nông dân thu hoạch mía, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ ngày 3/7 cho biết các nhà chế biến đang tìm cách tăng hạn ngạch xuất khẩu lên mức cao kỷ lục 6 triệu tấn. Hiệp hội này ước tính sản lượng đường của Ấn Độ lên tới 32 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, tăng 58% so với niên vụ trước. Trong khi đó, tại Brazil, tồn kho ethanol tăng và giá ethanol giảm mạnh nghĩa là các nhà máy có thể lựa chọn phương án tăng sử dụng mía để sản xuất đường.

Tất nhiên, hoạt động sản xuất có thể đảo chiều sang trạng thái thất bát nếu thời tiết chuyển biến bất lợi hơn dự báo. Thời tiết khô nóng có thể tác động tiêu cực tới mía tại khu vực trung nam Brazil, nước sản xuất – xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Khả năng diễn ra hiện tượng thời tiết El Nino vào cuối năm nay có thể gây thiệt hại cho sản xuát mía tại châu Á.

Nhưng trên một thị trường có nhu cầu đang tăng chậm lại, những cú shock cung nhỏ thường dễ dàng giải quyết. Những lo ngại về sức khỏe và các chính sách mới đối với các đồ uống có đường sẽ tiếp tục làm giảm tiêu dùng tại các nền kinh té đang phát triển, Green Pool nhận định.

Theo Bloomberg (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường