Theo thông tin từ ông Jim Gulkin, CEO của nhà giao dịch thủy sản Siam Canadian Group, ông nhận thấy hoạt động mua tôm Ấn Độ trên thị trường suy giảm từ cuối năm 2017. Tháng 10/2017, ông Gulkin từng cảnh báo lênh cấm hoặc hạn chế ngặt nghèo của EU đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ có thể gây ra hiệu ứng domino cho ngành tôm thế giới. Ấn Độ có thể đặt cược vào thị trường Mỹ và tăng bán hàng hết sức có thể sang Việt Nam và Trung Quốc.
Ngay từ trước phái đoàn thanh tra của EU tới Ấn Độ, những nhà bán lẻ và kinh doanh ẩm thực tại Anh đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung ứng ngừng lấy hàng từ nguồn tôm nuôi Ấn Độ, theo giám đốc điều hành Big Prawn Co Will Rash, phát biểu tại hội nghị Aquaculture Leadership (GOAL) tổ chức tại Dublin, Ireland.
Phát biểu vào tháng 1/2018, ông Gulkin cho biết cho tới nay rất ít nhà chế biến thủy sản Ấn Độ chấp nhận rủi ro vận chuyển tốm ang EU nên dư địa cho xuất khẩu tôm sang EU của nước này càng hẹp. “Việt Nam, như tôi dự báo trước đó, sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất từ bước lùi của Ấn Độ”. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ tăng, ông Gulkin nhận định. “Ấn Độ rất nhạy bén trong cạnh tranh giá và Thái Lan, Indonesia, Việt Nam sẽ chật vật trong cuộc đua về giá này”.
Tuy nhiên, trong 6 – 8 tuần qua, Indonesia đã chủ động giảm giá xuất khẩu tôm, thúc đẩy xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ.
Như đề cập trong hội thảo GOAL trước đó, một số nhà nhận định thị trường lo ngại FDA của Mỹ có thể nối bước EU trong đưa tôm nhập khẩu Ấn Độ vào khuôn khổ quy định ngặt nghèo hơn. Nhưng cho đến nay, thị trường vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy tác động tới nhập khẩu tôm của Mỹ.
Dữ liệu của NMFS công bố gần đây cho thấy xuất khẩu tôm Ấn Độ sang thị trường Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng giá trị xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong 11 tháng đầu năm đạt 1,97 tỷ USD, tăng từ mức 1,35 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2016.
Triển vọng tích cực cho tôm Ấn Độ
Ông Gulkin không cho rằng hoạt động thanh tra của EU đối với các nhà chế biến tôm Ấn Độ sẽ dẫn tới bất cứ điều chỉnh quy định thương mại ngặt nghèo nào. “Tôi nghĩ các nhà chức trách EU sẽ nghiêng về quyết định tạo điều kiện cho xuất khẩu tôm Ấn Độ sang EU tăng trở lại”.
Durai Balasubramanian – thư ký Hiệp hội nông dân nuôi tôm Pattukottai tại Tamil Nadu – đồng tình với nhận định trên khi cho rằng đợt thanh tra của EU sẽ không gây ra bất cứ vấn đề gì và EU sẽ tiếp tục mua tôm từ Ấn Độ. “Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang EU giảm nhưng vẫn giữ tốc độ ổn định. Tôi nhận thấy rất nhiều công ty Ấn Độ đang tập trung nhiều vào thị trường EU hơn thị trường Mỹ, bất chấp quy định kiểm tra bắt buộc tăng lên”. Ông cho rằng các hoạt động giao dịch tôm với EU sẽ không yếu đi do các cuộc thanh tra, “nhiều người dự báo sẽ có điều chỉnh và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tăng mua”.
Truyền thông Ấn Độ gần đây cho biết EU đã loại bỏ phương án áp thêm các hạn chế mới đối với xuất khẩu tôm Ấn Độ sang các thị trường EU. Các vấn đề được xác định tập trung vào hoạt động sản xuất cơ bản – giám sát sản xuất tại trại nuôi và đầu vào sản xuất – và các nhà chức trách Ấn Độ được cho là sẽ giải quyết các vấn đề này trong những tháng tới.
Ngoài ra, một bản tin “Ken’s Catch” của Ken Salzinger đưa tin các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho rằng các thanh tra từ EU đã kiểm tra quy trình kiểm tra dư lượng kháng sinh trên tôm xuát khẩu đã loại trừ khả năng áp bất cứ hạn chế nhập khẩu nào mới. “Có vẻ mức kiểm tra bắt buộc 50% lô hàng tôm từ Ấn Độ sẽ tiếp tục có hiệu lực và không có thêm các hạn chế nào mới. Ngoài ra, hiện vẫn còn những lo ngại về truyền thông tiêu cực, vốn là nguyên nhân khiến đoàn thanh tra EU phải vào cuộc. Tuy nhiên, khi một số nước khác có các hiệp định thương mại với EU bắt đầu có hiệu lực – như Ecuador, Việt Nam và Indonesia – Ấn Độ có thể mất thị phần trên thị trường EU”.
Theo Undercurrent News (gappingworld.com)