Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Sơn La xuất khẩu sang nhiều quốc gia
01 | 11 | 2018
Sau nhiều năm sản xuất cà phê, bà con Sơn La nhận thấy, cần thành lập hợp tác xã để đi xa hơn, xuất khẩu trực tiếp, không phải qua khâu trung gian, thu về lợi nhuận cao hơn…

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cà phê Bích Thao, ông Nguyễn Xuân Thao, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết, thành phố đã có quy hoạch vùng canh tác cà phê bền vững từ những năm 1990, với diện tích trên 1.400ha. Đây cũng  là vùng chuyên canh cà phê Arabica lớn nhất của cả nước, toàn tỉnh hiện có trên 17.000ha.

Theo đó, ông Thao và bà con đã tham gia trồng cà phê trên 20 năm nay. Song, phải đến tháng 5/2017 mới thành lập HTX kiểu mới, với 11 thành viên, có nhiệm vụ trồng và kinh doanh cà phê; chế tạo máy cơ khí nông nghiệp; máy tách vỏ cà phê.

Hiện, diện tích bình quân của các hộ thành viên khoảng 3 ha/hộ; doanh thu đạt 300 – 500 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, bà con còn xen canh xoài, nhãn trong vườn cà phê, tăng thêm nguồn thu đáng kể hàng năm. Rủi ro của cà phê là sương muối, song 10 năm nay chưa thấy xuất hiện.

Đầu ra là thị trường Đức, Mỹ, Thái Lan, Nga. Tính riêng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018, đã đạt con số hàng trăm tấn nhân. Đức là thị trường xuất khẩu nhiều nhất: 66 tấn, giá 83 -93.000 đồng/kg; Mỹ 40 tấn (60.000 đồng/kg); Thái Lan 2 contene, giá 65.000 đồng/kg. Dự kiến, những tháng tới sẽ có đơn hàng xuất khẩu sang Nga.

Điều đáng nói là, 7 năm trước, khi còn làm ở xưởng cơ khí, ông Thao đã chế tạo được máy tách vỏ cà phê, siêu tiết kiệm nước, nay kịp thời phục vụ cho các thành viên trong HTX. Nếu như ở miền Nam, bà con tách vỏ 10 tấn cà phê, cần tới 19 – 20 m3 nước, thì HTX Bích Thao chỉ sử dụng khoảng 1,7 – 2,0 m3 nước.     

Được biết, cách đây 6 năm, các doanh nghiệp nước bạn Đức đã sang phối hợp với bà con Sơn La (1 lần/năm), để hướng dẫn sản xuất cà phê theo quy trình mới, đồng thời, thu mua trực tiếp cho nông dân.

Cà phê Sơn La có ưu điểm không phải dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, do Sơn La không có khu công nghiệp, nhà máy. Ít chịu ảnh hưởng của tàn dư chiến tranh, nên không có hóa chất độc hại thải ra môi trường. Đây cũng là điều Sơn La nên thận trọng khi xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

“Từ thực tế trên, chúng tôi thấy, cần phải thành lập hợp tác xã kiểu mới, để cùng nhau đi xa hơn, mua phân bón rẻ hơn. Mặt khác, xã viên còn được lợi đủ điều như: xuất khẩu trực tiếp, không phải qua khâu trung gian, lợi nhuận thu về cao hơn, và nhất là không bị thương lái ép giá khi được mùa” – ông Thao chia sẻ.

Theo KTNT



Báo cáo phân tích thị trường