Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê: Vẫn chưa theo kịp “chuẩn” quốc tế
19 | 08 | 2008
Gần hai năm gia nhập WTO, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã có khả năng phát triển và duy trì tốt đà tăng trưởng. Tuy nhiên, chất lượng một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng được coi là mũi nhọn như cà phê… vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Cơ hội lớn cho cà phê Việt Nam

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, gia nhập WTO đang mang lại cho Việt Nam một “sân chơi” khổng lồ, trong đó có ngành cà phê. Bởi theo ông Tự, nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới tới đây mỗi năm sẽ tăng khoảng 2 triệu bao. Dự kiến đến năm 2018, thế giới cần tới 140 triệu bao cà phê. Việt Nam là nước có sản lượng cà phê hàng đầu thế giới, đây có thể coi là cơ hội "vàng".

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2006 Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 0,97 tỷ USD, năm 2007 đã tăng lên hơn 1,64 tỷ USD. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1 tỷ USD. Các chuyên gia thị trường nhận định, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2008 đạt mốc 2 tỷ USD là trong tầm tay. Hiện cà phê Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 70 nước trên thế giới. Ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với những thuận lợi sẵn có của ngành cũng như cơ hội thị trường thế giới mang lại.

Vẫn chưa theo kịp “chuẩn” quốc tế

Bên cạnh cơ hội phát triển và tăng trưởng xuất khẩu, hội nhập cũng đang tạo ra rất nhiều sức ép với cà phê Việt Nam, nhất là việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế và việc xây dựng thương hiệu.

Việt Nam có sản phẩm cà phê nổi tiếng như Arabica ở Sơn La, cà phê Buôn Mê Thuột… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thương hiệu riêng trên thương trường quốc tế nên khả năng cạnh tranh vẫn bị lép vế. Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng tìm cách xác lập thương hiệu cà phê Việt Nam trên thương trường thế giới nhằm hạn chế sự tác động ảnh hưởng của những nước không trồng cà phê nhưng lại chi phối sản lượng và thị trường thế giới, nhất là ở khu vực châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh việc chưa có thương hiệu, điểm yếu lớn khác của cà phê Việt Nam chính là chất lượng do công nghệ thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu, đầu tư chế biến để tăng giá trị chưa nhiều. Công nghệ các nhà máy chế biến cà phê của Việt Nam đã được đầu tư còn yếu so với yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chất lượng sản phẩm để xuất khẩu thì năng lực chế biến ở khâu sơ chế chỉ đạt khoảng 20%, khâu tinh chế đạt 40%, công nghệ sấy chất lượng cao mới chỉ đạt 20%. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sản lượng cà phê trên thế giới, thế nhưng doanh số và giá trị gia tăng các DN Việt Nam thu được là không nhiều bởi cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô.

Đảm bảo chất lượng là tiêu chí sống còn để tăng trưởng xuất khẩu. Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, trong tổng khối lượng cà phê không đạt tiêu chuẩn của Uỷ ban điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) do thị trường cà phê London (LIFFE) phân loại năm 2007 thì cà phê Việt Nam chiếm tới 66%. Theo đánh giá của ICO, sự chậm trễ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng mới của Việt Nam đã làm tăng lượng cà phê bị loại theo phân loại của LIFFE. Ông Nhạn khẳng định, đánh giá của ICO là chính xác. Bởi trong quan hệ mua - bán cà phê, Việt Nam vẫn đang áp dụng bộ tiêu chuẩn cũ TCVN 4193:93.

Đánh giá chung về triển vọng cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, cơ hội là rất lớn, song nếu Việt Nam tiếp tục xuất khẩu cà phê như hiện nay thì khó có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và sẽ tiếp tục làm mất đi cơ hội gia tăng lợi nhuận cho mình, làm mất đi lợi thế của một nước trong tốp đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê./.




Nguồn: chebien.gov
Báo cáo phân tích thị trường