Theo ông Đoàn Triệu Nhạn- Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, nguyên nhân là do chúng ta mua bán cà phê không theo quy trình, tiêu chuẩn. Nông dân trồng cà phê thường có thói quen thu hái tổng hợp hạt xanh lẫn hạt chín, phơi và cất giữ thủ công khiến chất lượng giảm. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là việc áp dụng tiêu chuẩn cho cà phê xuất khẩu. Là thành viên của Tổ chức cà phê thế giới- tổ chức đã có 25 nước chiếm 73,1% lượng cà phê xuất khẩu tòan cầu phải tuân thủ những tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, thế nhưng Việ Nam hiện lại nằm trong số 26,9% lượng cà phê xuất khẩu không tuân thủ tiêu chuẩn nào của Tổ chức cà phê thế giới. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành nước chuyên xuất khẩu xô cà phê. Bởi hàng xấu, hàng tốt trộn lẫn rồi bán với giá thấp.
Hiện chúng ta đã có tiêu chuẩn nhà nước - TCVN4193:2005 của Việt Nam về yêu cầu kỹ thuật đối với cà phê nhân sống và đã được tổ chức cà phê thế giới công nhận. Nhưng đến thời điểm này tiêu chuẩn TCVN4193:2005 vẫn chưa được áp dụng, cả người bán và người mua vẫn có thói quen sử dụng tiêu chuẩn cũ- TCVN 4194-3-93. Điểm khác nhau là tiêu chuẩn cũ chỉ đánh giá cà phê ở ba tiêu chí là hàm lượng ẩm, hạt đen vỡ và tạp chất. Trong khi tiêu chuẩn mới đánh giá theo số lỗi của cà phê. Việc chưa áp dụng tiêu chuẩn mới phù hợp với quốc tế phản ánh những yếu kém trong quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam. Trước sự bất cập này, Nhà nước cần đưa mặt hàng cà phê vào danh mục bắt buộc phải kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thông quan.