Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vĩnh Phúc khó khăn trong thu hút vào đầu tư nông nghiệp
09 | 04 | 2019
Thời gian qua, mặc dù tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng việc tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.

Được triển khai từ năm 2016, mô hình nuôi trai lấy ngọc được công ty TNHH Lâm Sơn Tùng (xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương) thực hiện khoảng 500 con trai cấy ngọc bước đầu đạt hiệu quả cao về chất lượng. Diện tích nuôi cấy khoảng 2ha, số trai nuôi lấy ngọc là 20 nghìn con, giá thành trai giống là 50.000 đồng/con. Sau hai năm nuôi, giá ngọc đạt 500.000 đồng/viên; tạo việc làm cho 12 lao động địa phương với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc công ty cho biết: Sản xuất ngọc trai là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, là sản phẩm phục vụ cho ngành du lịch và xuất khẩu. Hiệu quả là vậy, song để phát triển, mở rộng mô hình, công ty gặp nhiều khó khăn do mô hình nhỏ, mới lạ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ dẫn tới doanh nghiệp khó triển khai vay các nguồn vốn ưu đãi. Không chỉ vậy, thời gian, thủ tục chuyển đổi sử dụng đất mở rộng ao hồ kéo dài, nhiều thủ tục hành chính cũng là cản trở khiến doanh nghiệp chưa thể mở rộng đầu tư sản xuất.

Không giống công ty TNHH Lâm Sơn Tùng được xác định là doanh nghiệp không thuộc diện hỗ trợ, Công ty TNHH Gia Bảo - Cargo lại là một trường hợp khác. Là doanh nghiệp đầu tiên làm nông nghiệp công nghệ cao của huyện Tam Dương, công ty đã đầu tư hơn sáu tỷ đồng mua gom ruộng đất của người dân, đầu tư hơn ba tỷ đồng để xây dựng hạ tầng điện, đường, nước cùng ba nhà kính với diện tích trên 5.300m2 để trồng ớt ngọt, hoa ly, dưa lưới bằng công nghệ Isarel. Nhưng đến giờ, công ty vẫn đang khắc khoải chờ hỗ trợ của tỉnh.

Anh Xuân, Giám đốc công ty chia sẻ: Tháng 10-2017, công ty thuộc đối tượng được huyện Tam Dương phê duyệt hỗ trợ dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 2292. Vốn liếng dành dụm bao năm và cả các khoản vay anh đổ hết vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đến 12-2018, UBND huyện Tam Dương ra Quyết định số 4276 thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 2292 với lý do dự án được phê duyệt tại quyết định số 2292 chưa đáp ứng được tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với quy định của tỉnh. Vậy là bao tiền của đầu tư cho nông nghiệp với mong được hỗ trợ, giờ công ty phải đầu tư sang làm sân bóng mini, hồ bơi để trang trải và chờ đợi những thay đổi trong thời gian tới.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa biết về chính sách hỗ trợ, và các trình tự, thủ tục. Mặt khác, có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng địa điểm thực hiện dự án của doanh nghiệp không nằm trong các quy hoạch của tỉnh như: quy hoạch phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, phát triển rau an toàn… nên nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư cũng không thể thực hiện.

Với mong muốn tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 202 ngày 22-12-2015 về hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020.

Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 25 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết 202 của HĐND. Trong đó, có hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ trồng cây dược liệu; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản.

Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, Nghị quyết số 202 chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Đến nay, tỉnh mới hỗ trợ được một dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP do Công ty cổ phần nông lâm nghiệp và môi trường Vĩnh Hưng thực hiện đầu tư tại xứ đồng Mả Khéo, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên. Dự án đã được hỗ trợ 70% chi phí để xây dựng hệ thống giao thông, điện, hệ thống tưới, tiêu, xây dựng nhà lưới, hệ thống thu gom và xử lý chất thải với số tiền 1,72 tỷ đồng.



AGRO
Báo cáo phân tích thị trường