Nhiều nước EU ủng hộ việc triển khai các chính sách “bảo vệ” trong vòng 3 năm, nhưng không đủ số phiếu bầu theo quy định để chính thức thông qua quy định này. Ủy ban châu Âu, chuyên trách chính sách thương mại cho 28 nước thành viên, đã đề xuất các biện pháp “phòng vệ” và thường vẫn triển khai các chính sách này ngay cả khi không đủ số phiếu bầu từ các nước thành viên.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức thuế 175 Euros/tấn, tương đương 198,31 USD/tấn, đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar trong năm đầu tiên, giảm xuống 150 Euros trong năm thứ 2 và 125 Euros trong năm thứ 3.
Hai nước Đông Nam Á trên hưởng lợi từ cơ chế Tất cả trừ vũ khí của EU, theo đó cho phép các nước kém phát triển nhất xuất khẩu phần lớn hàng hóa sang EU mà không chịu thuế. “Tuy nhiên, một điều cũng quant rọng là đảm bảo rằng nông dân và các nhà sản xuất châu Âu không phải là những người trả giá cho nhập khẩu gạo giá rẻ với lượng lớn”, theo một người phát ngôn của EC cho hay. Cả hai nước đều cùng đối mặt với khả năng mất quyền tiếp cận đặc biệt tới khối thương mại lớn nhất thế giới này do các vấn đề quyền con người, mặc dù khả năng trừng phạt là vấn đề riêng rẽ với các biện pháp phòng vệ được đề xuất nói trên.
EC là cơ quan quản lý chính sách thương mại cho khối EU28, đã mở ra một cuộc điều tra về nhập khẩu gạo từ hai nước này trong tháng 3 vừa qua sau khi có đơn khiếu nại của chính phủ Ý. “Các kết quả của cuộc điều tra này xác nhận tình trạng tăng mạnh nhập khẩu gạo, gây nên thiệt hại kinh tế đối với ngành gạo tại châu Âu”, người phát ngôn của EC cho hay.
Tổ chức nông nghiệp EU Copa-Cogeca cho biết xuất khẩu gạo của Campuchia, Myanmar sang EU là loại gạo Indica hạt dài, đã tăng từ 9.000 tấn năm 2012 lên 360.000 tấn năm 2017, dẫn đến giá gạo giảm mạnh. Các nước thành viên EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 4/12 và được cho là sẽ áp thuế xét đến việc lúa gạo được trồng tại 8 nước miền nam châu Âu, từ Bồ Đào Nha đến Bulgaria.
Theo Reuters