Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện trồng được gần 9.000 ha cao su; trong đó, có hơn 6.392 ha đang trong giai đoạn cho khai thác mủ. Năm nay, giá mủ cao su vào khoảng từ 14.000 – 15.000 đồng/kg mủ đông, tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, khiến người trồng cao su phấn khởi.
Thời điểm này, nhiều người dân tại các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và các địa phương vùng gò đồi huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà đang vào vụ chính thu hoạch mủ cao su. Ông Hồ Văn Nam, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông cho biết, người trồng cao su phấn khởi vì có thêm thu nhập. Hy vọng giá mủ cao su tăng hoặc tiếp tục giữ ổn định như hiện nay để người trồng duy trì, khai thác số tốt số diện tích hiện có.
Giá mủ cao su đang tăng đúng thời điểm vào vụ khai thác nên nhiều nơi như xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, người dân mỗi ngày khai thác khoảng 50 kg mủ đông. Xã Hương Bình hiện có khoảng 650 ha cao su đang thời kỳ khai thác, giá mủ cao su khá cao khiến người trồng cao su rất phấn khởi.
Theo ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông, giá mủ cao su đang tăng cao, sau khi thu hoạch mủ cao su được thương lái đến tận nơi để thu mua tránh được tình trạng sản phẩm cao su bị ép giá.
Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 11 là giai đoạn người trồng cao su khai thác mủ và năm nay, thời điểm khai thác trúng vào lúc giá mủ tăng cao. Tuy nhiên, đây là thời điểm nắng nóng gay gắt, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần biết khai thác hợp lý mủ cao su để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện Nam Đông còn phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc cây, vệ sinh miệng cạo, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa cành, tạo tán đảm bảo cho cây phát triển.
Trước đây, cây cao su mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân vùng núi và các địa phương vùng bán sơn địa. Giá mủ có thời điểm lên đến 45.000 – 50.000 đồng/kg khiến nhiều người đổ xô trồng cao su. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, giá mủ giảm sâu, có lúc chỉ còn khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg. Mủ cao su rớt giá, nhiều người dân ở huyện Nam Đông, Phong Điền đành chuyển đổi số diện tích già cỗi sang trồng cam, thậm chí có người dân chặt bỏ cao su để trồng keo.
Một vấn đề đáng quan tâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay là có khoảng 30% hộ gia đình khai thác và chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, nên cây trồng có nguy cơ suy dinh dưỡng và có thể xảy ra một số bệnh khó điều trị, như loét sọc miệng cạo, thối miệng cạo… cần phải được khắc phục trong thời gian tới.