Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ – Trung
10 | 06 | 2019
Xuất khẩu cao su của Việt Nam chưa bởi sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Tuy nhiên, giá cao su nguyên liệu và xuất khẩu vẫn duy trì đà phục hồi do nguồn cung tại các nước sản xuất lớn bị hạn chế.

Trang Business Insider cho biết Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với một số sản phẩm cao su nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm mủ cao su, băng tải, lốp xe khí nén, găng tay, gioăng… từ ngày 10/5.

Trước đó, với mức thuế 10% của Mỹ, ngành ôtô của Trung Quốc cũng đã thấy rõ tác động. Doanh số bán ôtô của Trung Quốc trong quý I năm 2019 giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 6,37 triệu chiếc. Sang tháng 4, con số này tiếp tục giảm 14,6% xuống 1,98 triệu chiếc, ghi nhận tháng giảm thứ 10 liên tiếp, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cho biết. Trong đó, doanh số của SAIC Motor, đối tác của Volkswagen và General Motors tại thị trường này, giảm 16,8%.

Hiệp hội cho biết chính sách thuế của Mỹ có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu linh kiện ôtô của nước này.

Trung Quốc hiện sử dụng khoảng 70% cao su tự nhiên cho ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Việc Mỹ áp thuế lên lốp xe nói riêng và các sản phẩm làm từ cao su nói chung của Trung Quốc khiến nhập khẩu cao su của nước này có xu hướng giảm. 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cao su của Trung Quốc gần 4,9 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam lại ghi nhận xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng trong cùng kỳ. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt hơn 358,7 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu: Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Phan Vũ

Số liệu: Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Phan Vũ

Việt Nam là một trong 3 nguồn cung cao su lớn nhất của Trung Quốc, sau Thái Lan và Malaysia. Trong khi tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia, lần lượt giảm 7,3% và 14,6%.

Vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 60% tổng lượng cao su xuất khẩu, nên việc Mỹ tăng thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó lưu ý tới thị trường Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xe đang phát triển rất nhanh.

Căng thẳng thương mại leo thang, giá cao su thế giới vẫn giữ đà phục hồi

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, giới chuyên gia lo ngại nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc sẽ suy yếu, từ đó kích thích làn sóng bán tháo trên thị trường này trong suốt tháng 3. Bước sang tháng 4, dù quan hệ thương mại giữa hai 2 kinh tế lớn nhất thế giới vẫn bế tắc, giá cao su thế giới lại có xu hướng phục hồi.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 6 chốt ngày 31/5 ở 194,2 yên/kg (tương đương 1,8 USD/kg), tăng 2,6% so với cuối tháng 4 và tăng 9,7% kể từ đầu năm.

Giá cao su tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào trước thông tin 3 quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia, triển khai kế hoạch giảm xuất khẩu 240.000 tấn cao su.

Theo kế hoạch được thông qua, Indonesia sẽ giảm 98.160 tấn cao su xuất khẩu trong 4 tháng bắt đầu từ ngày 1/4. Tương tự, Malaysia và Thái Lan sẽ lần lượt giảm 15.600 tấn và 126.240 tấn từ ngày 20/5, Jakarta Post cho biết. Theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su của Thái Lan giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 1,74 triệu tấn cao su.

Đợt nắng nóng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng tác động mạnh lên thị trường cao su khi thời tiết buộc các nhà vườn phải giảm khai thác mủ. Tỉnh Vân Nam là địa phương cung cấp 50% tổng sản lượng cao su của Trung Quốc.

Diễn biến giá cao su RSS3 tại Nhật Bản trong vòng 1 năm qua. Ảnh: TOCOM.

Diễn biến giá cao su RSS3 tại Nhật Bản trong vòng 1 năm qua. Ảnh: TOCOM.

Cũng theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên, nguồn cung cao su thiên nhiên giảm do giá cao su xuống thấp nên các hộ nông dân tại một số thị trường chủ chốt hạn chế khai thác mủ và dịch bệnh rụng lá mới bùng phát ở Indonesia.

Cùng với đà tăng của giá cao su thế giới, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước cũng lên cao. Cuối tháng 5, giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy tại Đắk Lắk đạt lần lượt 280 đồng/độ TSC và 285 đồng/độ TSC, tăng 40 đồng/độ TSC so với một tháng trước.

Giá xuất khẩu cao su bình quân cũng tăng liên tục từ tháng 1 và đạt 1.450 USD/tấn vào tháng 5. Tuy nhiên, so với năm 2018, giá xuất khẩu 3 tháng đầu năm vẫn thấp hơn khoảng 5 – 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biểu đồ: Phan Vũ. Số liệu: Tổng cục Hải quan.

Biểu đồ: Phan Vũ. Số liệu: Tổng cục Hải quan.

Kết quả, xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm nay ước đạt 495 nghìn tấn, trị giá 673 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, Bộ Công Thương cho biết.

 


theo ndh.vn
Báo cáo phân tích thị trường