Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đừng để gạo 'hẩm' vì một quy chuẩn lỗi thời
04 | 06 | 2019
Về thời điểm ban hành quy chuẩn, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: “Chắc phải từ giờ tới cuối năm”.

“Một bên quá cần như ngồi trên đống lửa vì cơ hội kinh doanh tuột mất mà các Bộ lại ngó lơ?”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sốt ruột “kêu” cho doanh nghiệp trước sự chậm trễ trong sửa đổi quy định về xuất khẩu gạo!

Doanh nghiệp ngồi trên lửa, cơ quan quản lý “ngó lơ”

Cuối tháng 5 vừa qua, tại Hội chợ quốc tế Thực phẩm và đồ uống Thaifex 2019, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã chứng kiến một vụ việc khiến bà đau lòng. Tại khu gian hàng Việt Nam có hai vị khách Malaysia cầm gói gạo Long Châu Âu giống ST 24 của Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) lên xem rất lâu. Họ mở bao bì, hít hà và gật gù tán thành chất lượng rồi hỏi để nhập khẩu loại gạo này.

Thay vì vui mừng, trao đổi phương thức, thời gian hợp tác... đại diện Cỏ May lại ngập ngừng nói cảm ơn và chỉ ghi nhận thiện ý. Cơ hội đến mà doanh nghiệp không nắm bắt. Bà Hạnh càng ngỡ ngàng khi nhớ lại tình cảnh tương tự tại buổi làm việc với đoàn thương nhân từ Quảng Đông (Trung Quốc) do UBND tỉnh Đồng Tháp đứng ra kết nối. Sau khi xem gạo Cỏ May (loại đang bán rất chạy tại thị trường Singapore), đoàn thương nhân Quảng Đông ngỏ ý muốn mua nhưng đại diện Cỏ May chỉ cảm ơn rồi hẹn lần sau. Đoàn khách khó hiểu, thậm chí còn nghi ngờ gạo Cỏ May có vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu hay vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khiến nhân viên Cỏ May phải cho khách xem chứng nhận tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp kiểm soát giới hạn các mối nguy trong thực phẩm).

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 739 nghìn tấn, thu về 314 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,83 triệu tấn và 1,21 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu gạo giảm 4% về khối lượng và giảm 20,7%. Trong các thị trường xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, Philippines đứng vị trí thứ nhất, chiếm 35,9% thị phần trong 4 tháng đầu năm. Một số thị trường có chỉ số XK gạo tăng mạnh là Angola (tăng gấp 5,2 lần); Hồng Kông (tăng 91,9%); Bờ Biển Ngà (tăng 73,3%) và Nga (tăng 29,3%).

Về chủng loại xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo trắng chiếm trên 50,5% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 34,1%; gạo nếp chiếm 8,1% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 7,1%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (52,7%), Cuba (15,3%). Gạo Jasmine và gạo thơm có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Iraq (18,8%), Philippines (18,4%) và Bờ Biển Ngà (18,1%).

Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (36,3%), Philippines (28,2%) và Hồng Kông (13,3%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Singapore (40,8%) và Ai Cập (15,9%).

Bà Hạnh gặng hỏi nhân viên Cỏ May mới biết, sau khi Nghị định 107 ra đời đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về điều kiện sở hữu kho bãi, cơ sở xay xát nhưng khi liên kết hay đi thuê kho thì vẫn phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo. Cỏ May đã hỏi cơ quan chức năng và nhận được câu trả lời là phải chờ Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành. “Một bên quá cần như ngồi trên đống lửa vì cơ hội kinh doanh tuột mất mà các Bộ thì ngó lơ?”, bà Hạnh than thở.

Còn nhớ trước đó, giữa năm 2016, câu chuyện Cỏ May phải đi đường vòng mới xuất khẩu được gạo cũng đã khiến dư luận bức xúc. Cụ thể, Cỏ May đã phải lập công ty con ở Singapore để mua lại gạo của chính mình tại Việt Nam sau khi phải nhờ xuất khẩu ủy thác qua một công ty lương thực ở Cần Thơ. Doanh nghiệp phải trả thêm chi phí vận hành công ty tại Singapore, phí ủy thác xuất khẩu.

Câu chuyện của Cỏ May như giọt nước tràn ly, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định các điều kiện về xuất khẩu gạo. Đến giữa tháng 8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109 nói trên. Nghị định đã bỏ điều kiện yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải sở hữu cơ sở xay xát, kho bãi (có kho chuyên dùng với sức chứa 5.000 tấn thóc phù hợp quy chuẩn do Bộ NN&PTNT ban hành và có sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu là 10 tấn thóc/h). Tức là doanh nghiệp không cần phải đứng tên sở hữu các cơ sở này mà có thể đi thuê hoặc liên kết.

Tuy nhiên, cũng như Cỏ May, nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo ở ĐBSCL vẫn cho rằng, các quy định mới này vẫn chưa thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: Công ty Phước Thành IV đang xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện nên phải ủy thác qua một đơn vị khác để đóng hàng. Do phải chở hàng đến kho ủy thác khiến chi phí tăng, giá thành đội lên nên không cạnh tranh lại so với các quốc gia khác. Trong khi đó, nhiều khách hàng lại không hài lòng đối với đơn vị được ủy thác, khiến doanh nghiệp mất thị trường, mất khách hàng. “Chúng tôi phải đi tìm những thị trường khác. Để đàm phán được với họ thì phải tốn kém về thời gian, chi phí”, ông Thành than.

Đánh giá về các tiêu chuẩn để được kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Công ty Lương thực Bạc Liêu cho biết, yêu cầu của ngành nông nghiệp đặt ra hiện nay còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân. Về phía Lương thực Bạc Liêu hiện đã đáp ứng được các yếu tố theo quy định, song công ty đang trong quá trình cổ phần hóa, nên hoạt động chưa được ổn định. Nhà máy xay xát lúa gạo thuộc Công ty Lương thực Bạc Liêu chỉ có đơn vị ở xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân là đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định về vấn đề tạm trữ, xay xát, sấy khô… để phục vụ xuất khẩu. Hai nhà máy còn lại đang tạm ngưng, do trong quá trình sắp xếp lại bộ máy. Thời gian qua, công ty chủ yếu cung ứng cho Tổng công ty Lương thực miền Nam, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia… Để thị trường xuất khẩu rộng mở hơn, ông Thống cho rằng, ngành chức năng cần có những giải pháp và định hướng hợp lý giúp doanh nghiệp trong nước hoạt động ổn định, lớn mạnh hơn.

Đừng để gạo hẩm vì một quy chuẩn lỗi thời - Ảnh 3.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Lê An

Sửa quy định: “Chắc phải từ giờ tới cuối năm”?

PV Báo Giao thông đã đặt vấn đề với lãnh đạo Bộ NN&PTNT về việc khi nào Bộ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo mới phù hợp với Nghị định 107? Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin: “Đợt trước Bộ định không sửa nhưng giờ chắc phải sửa để đáp ứng quy định mới”.

Về nội dung sửa đổi, không thông tin một cách chi tiết song ông Hòa cho biết: “Các quy định sẽ tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu. Nếu làm khó quá thì doanh nghiệp không đáp ứng được. Còn tối thiểu phải gồm tất cả tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm như HACCP, tiêu chuẩn về nguyên liệu, khâu chế biến, xay xát, kho dự trữ”.

Về thời điểm ban hành quy chuẩn, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: “Chắc phải từ giờ tới cuối năm”.

Đừng để gạo hẩm vì một quy chuẩn lỗi thời - Ảnh 4.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Lê An

Vậy, trong thời gian này doanh nghiệp phải làm gì? Theo ông Hòa, hiện mới có thị trường Trung Quốc yêu cầu và buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về kho chứa, xưởng xay xát… như quy định trên. Đối tác Trung Quốc còn kiểm tra, họ thấy đạt lúc đó doanh nghiệp mới xuất gạo sang thị trường này được.

Trong khi đó, các thị trường khó tính hơn như Mỹ hay châu Âu, tiêu chuẩn còn khắt khe hơn nhiều. Không phải doanh nghiệp đóng gói bao bì sạch sẽ là họ chấp nhận. Các thị trường này yêu cầu rất cao về điều kiện vệ sinh nhà xưởng, quy định chặt chẽ các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phải thể hiện ra thành các chỉ số.

Còn lại các thị trường khác, ông Hòa thông tin, doanh nghiệp vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một công ty thực phẩm tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu đều đặn sang các thị trường khác như: Malaysia, Cuba, Philippines... Thậm chí nhiều doanh nghiệp có kho chứa, có cơ sở xay xát đã đáp ứng được tiêu chuẩn từ trước thì hiện vẫn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu Trung Quốc. “Điều này tùy thuộc ở mỗi công ty và yêu cầu của mỗi thị trường”, vị này nói.

Tuy nhiên, để những doanh nghiệp không có đủ điều kiện xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát mà đi thuê hay liên kết, họ vẫn mong Bộ NN&PTNN nhanh chóng xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo. Đừng làm khó doanh nghiệp như khi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ban hành từ ngày 4/11/2010 nhưng mãi tới ngày 6/2/2013 Bộ NN&PTNT mới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay xát thóc gạo.

Theo Báo giao thông



Báo cáo phân tích thị trường